“Nếu không có sự phối hợp giữa các bộ, ngành và địa phương, khoa học và công nghệ (KH&CN) không thể có mặt kịp thời để giải quyết các vấn đề kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng mà thực tế đặt ra”.

Đó là chia sẻ của Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh bên lề hội nghị trực tuyến ngành KH&CN sáng 4/1. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã dự và chỉ đạo hội nghị.

Tăng cường kết nối

Bộ trưởng Chu Ngọc Anh cho biết, đây là lần đầu tiên hội nghị toàn ngành KH&CN có sự tham dự của Thủ tướng, Phó Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo nhiều bộ, ngành, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, một số ban của Đảng, ủy ban của Quốc hội, lãnh đạo UBND 63 tỉnh, thành phố…

“Điều này sẽ giúp tăng sự phối hợp nhịp nhàng giữa các bộ, ngành và UBND các tỉnh trong việc thực hiện cơ chế, chính sách về KH&CN. Nếu không có sự phối hợp này, KH&CN sẽ không thể có mặt kịp thời để giải quyết những vấn đề kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng mà thực tế đặt ra” - Bộ trưởng nhận định.

Bộ trưởng Chu Ngọc Anh phát biểu tại hội nghị trực tuyến. Ảnh: Loan Lê

Tại hội nghị, Bộ KH&CN kiến nghị Chính phủ quyết liệt chỉ đạo người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương khẩn trương rà soát, sắp xếp lại các tổ chức KH&CN công lập trực thuộc theo quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; kiên quyết sáp nhập, giải thể những tổ chức hoạt động không hiệu quả, qua đó khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải cho các tổ chức KH&CN công lập.

Bộ trưởng Chu Ngọc Anh cũng đề nghị các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố tăng cường phối hợp với Bộ KH&CN trong việc xây dựng, triển khai các chương trình, quy hoạch, kế hoạch phát triển, phân bổ ngân sách nhà nước cho KH&CN; tiếp tục đổi mới cơ chế, chính sách, tập trung nguồn lực để đầu tư triển khai các hoạt động KH&CN nhằm nâng cao sức tác động của KH&CN, nhanh chóng đưa kết quả nghiên cứu vào đời sống.

Lấy doanh nghiệp làm trung tâm đổi mới

Khẳng định năm 2017 là năm bản lề để thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016-2021 trong bối cảnh nền kinh tế nhiều thách thức, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh nêu 10 nhiệm vụ trọng tâm để KH&CN đóng góp nhiều hơn vào việc nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Trong đó, Bộ KH&CN đặc biệt chú trọng việc hoàn thiện chính sách, pháp luật để thúc đẩy KH&CN phát triển, triển khai hiệu quả chiến lược phát triển KH&CN giai đoạn 2011-2020 và đề án Tái cơ cấu ngành KH&CN đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng; tăng cường ứng dụng tiến bộ KH&CN để tăng chất lượng và sức cạnh tranh của hàng hóa theo chuỗi giá trị.

Ngành cũng sẽ đẩy mạnh việc đưa KH&CN vào phát triển nông nghiệp, xây dựng nền nông nghiệp công nghệ cao, tập trung vào các mặt hàng chủ lực xuất khẩu; nghiên cứu, chuyển giao và sản xuất giống cây trồng, vật nuôi năng suất, chất lượng cao, có khả năng chống bệnh và thích ứng với biến đổi khí hậu; hoàn thiện công nghệ chế biến, bảo quản sau thu hoạch; hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng thương hiệu nông sản; đẩy nhanh phát triển các ngành công nghiệp có hàm lượng KH&CN và tỷ trọng giá trị gia tăng cao, có lợi thế cạnh tranh để tham gia mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu.

Khẳng định việc lấy doanh nghiệp làm trung tâm đổi mới sáng tạo, Bộ KH&CN sẽ xây dựng và triển khai các cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu và phát triển, ứng dụng KH&CN vào nâng cao hiệu quả của hoạt động sản xuất, kinh doanh; xây dựng và phát triển thương hiệu.

Bên cạnh đó, ngành sẽ phát triển doanh nghiệp KH&CN thông qua thúc đẩy phát triển các cơ sở ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp KH&CN, tháo gỡ vướng mắc trong thủ tục, hồ sơ đăng ký doanh nghiệp KH&CN, doanh nghiệp công nghệ cao; chuyển đổi thủ tục đăng ký theo hướng hậu kiểm để tạo điều kiện phát triển doanh nghiệp KH&CN, tạo ra nhiều sản phẩm, hàng hóa có hiệu quả kinh tế cao.