Không chỉ Venezuela hay Brazil mà ngay cả một quốc gia Nam Mỹ khác là Argentina cũng đang rơi vào tình trạng khó khăn với các khoản ngân sách đầu tư cho khoa học bị cắt giảm. Một cuộc chảy máu chất xám bắt đầu đến với Argentina.

Claudia Capurro, nghiên cứu viên chính tại Hội đồng KH&CN quốc gia, sử dụng thiết bị trong phòng thí nghiệm tại Khoa Y sinh, trường Đại học Buenos Aires. Bà cho biết mình không thể xuất bản công trình trên tạp chí quốc tế uy tín vì không đủ hóa chất và thiết bị nghiên cứu. Nguồn: globalpressjournal.com
Claudia Capurro, nghiên cứu viên chính tại Hội đồng KH&CN quốc gia, sử dụng thiết bị trong phòng thí nghiệm tại Khoa Y sinh, trường Đại học Buenos Aires. Bà cho biết mình không thể xuất bản công trình trên tạp chí quốc tế uy tín vì không đủ hóa chất và thiết bị nghiên cứu. Nguồn: globalpressjournal.com

Các nhà khoa học từ các phòng thí nghiệm Argentina đã tham gia vào một cuộc phản đối những giải pháp “thắt lưng buộc bụng” mới của chính phủ. Các trường đại học, các hệ thống giao thông công cộng đều đóng cửa vì những nhân viên của họ đều tham gia vào biểu tình, thậm chí không dễ để ước đoán có bao nhiêu các nhà nghiên cứu có mặt trong dòng người này. Tuy vậy, những người phụ trách các viện nghiên cứu đều ước đoán có hàng ngàn người.

Ít cơ hội cho các nhà nghiên cứu trẻ

Kể từ khi nắm quyền lực vào năm 2015, chính quyền của Tổng thống Mauricio Macri đã gạt bỏ nhiều nỗ lực thúc đẩy sự lớn mạnh của cộng đồng khoa học đất nước từ những người tiền nhiệm. Năm 2018, đầu tư cho R&D chỉ ở khoảng 0,26% GDP, trong khi ba năm trước ở mức 0,53%. Nhà vật lý Susana Hernández – chủ tịch Hiệp hội Khoa học tiên tiến Argentina, một tổ chức quy tụ 23 hội khoa học thành viên nhận xét: với sự hạn chế về ngân sách đầu tư, chính quyền không còn coi khoa học là vấn đề ưu tiên cho tương lai nữa”.

Gần đây, Hội đồng KH&CN quốc gia (CONICET), có trụ sở tại Buenos Aires, đã thông báo: năm 2019 chỉ tuyển dụng 450 vị trí mới trong khi có khoảng 2.600 TS và postdoc, dẫn đến một số lượng kỷ lục những người được đào tạo bài bản lại không có việc làm. Ngay cả nếu được tuyển dụng thì những người may mắn cũng sẽ phải đối mặt với một tình thế cũng khá khó khăn: mức lương mà họ nhận được chỉ bằng một nửa so với mức lương năm 2015, bởi vì tình trạng lạm phát tăng nhanh.

Giám đốc các viện nghiên cứu của CONICET cũng phải đấu tranh với tình trạng khó khăn này. Vào ngày 12/4/2019, 140 giám đốc các viện nghiên cứu đã có một phiên họp khẩn cấp tại thành phố Córdoba. Kết thúc phiên họp, một bản tuyên bố yêu cầu “việc thực thi ngay lập tức một kế hoạch để cứu nguy CONICET khỏi tình trạng khó khăn,” bao gồm việc mở rộng thời gian cấp học bổng cho những nhà nghiên cứu không được nhận vào các viện nghiên cứu và tái thiết Bộ Khoa học, vốn bị “hạ cấp” sau khi trở thành một bộ phận của Bộ Giáo dục từ năm 2018.

Hoàn cảnh khó khăn của khoa học đã phản ánh sự khủng hoảng kinh tế trên diện rộng ở Argentina, nơi tình trạng lạm phát nghiêm trọng và sự mất giá của đồng Peso khiến các cơ quan chính phủ và doanh nghiệp tư nhân phải thắt lưng buộc bụng.

Kêu gọi sự quan tâm của công chúng

Trước mắt, tác động của khủng hoảng kinh tế lên khoa học rất lớn, nhiều viện nghiên cứu do CONICET quản lý buộc phải cắt những khoản chi cơ bản như các dịch vụ an ninh và vệ sinh, cũng như chi phí điều hành nghiên cứu. Ví dụ, Viện nghiên cứu Hóa Lý lý thuyết và ứng dụng tại La Plata có thể không còn khả năng cung cấp cho các phòng thí nghiệm của mình những nguồn vật tư hóa chất như ni tơ lỏng, ô xy lỏng. Tại CENPAT, nếu các xe phục vụ nghiên cứu bị hỏng thì không còn cách nào khác là bỏ xó vì không còn tiền để bảo trì và sửa chữa. Đồng Peso mất giá khiến việc nhập khẩu thiết bị và vật tư hóa chất phục vụ nghiên cứu trở thành không thể. “Anh phải nghiền ngẫm cả trăm lần trước khi tiến hành một thí nghiệm và phải cầu khẩn để thí nghiệm đừng thất bại”, Juan Pablo Jaworski, chuyên gia virus CONICET tại Viện nghiên cứu Công nghệ nông nghiệp quốc gia, chua chát nói về nỗ lực hiện tại của các nhà nghiên cứu như mình.

Tình hình càng trở nên xấu hơn khi những hứa hẹn đầu tư cho một số thiết bị đã bị trễ hẹn mà không có một lời giải thích về liệu nó có được thi hành hay không và nếu có thì khi nào. Vào cuối năm 2018, chỉ có 40% kinh phí đầu tư của năm 2017 mới được giải ngân đến các viện nghiên cứu. Năm nay, kinh phí đầu tư có thể chỉ ở khoảng một nửa so với kế hoạch.

Không có triển vọng việc làm cho các nhà nghiên cứu trẻ đồng nghĩa với khả năng mở ra một cuộc chảy máu chất xám ở Argentina, Alberto Kornblihtt, người phụ trách Viện nghiên cứu Sinh lý học, Sinh học phân tử và khoa học thần kinh của CONICET. Mới đây, Kornblihtt đã phải chia tay hai nhà nghiên cứu, họ rời viện để đến với các phòng thí nghiệm ở nước ngoài sau khi kết thúc một năm tuyệt vọng vì không thấy cơ hội thăng tiến trong nghiên cứu. “Chúng tôi không thể nói với họ là khi không còn chỗ ở trong nước, anh hãy đi ra nước ngoài làm việc. Chúng tôi phải chấm dứt nạn chảy máu chất xám và giữ cho hệ sinh thái khoa học này tồn tại”, ông nói.

Do đó, cuộc phản đối chính sách của các nhà khoa học Argentina vẫn tiếp tục diễn ra với hi vọng cứu vãn tình thế. Các giám đốc của CONICET dự kiến sẽ tìm kiếm thêm sự ủng hộ của công chúng thông qua một sự kiện quốc gia cabildo abierto - cuộc hội nghị mở được tổ chức vào ngày 22/5/2019 với những đối thoại công khai. Bản thân González-José cảm thấy bi quan bởi trước đây, cộng đồng khoa học từng bị công chúng phớt lờ. Ông nhận định, việc phản kháng cần phải mạnh mẽ hơn, tuy “điều đó có nghĩa là tình trạng mà khoa học phải đối mặt ngày càng trở nên tồi tệ hơn.”

Mặc dù các nhà nghiên cứu Argentina vẫn tìm các nguồn đầu tư cho nghiên cứu từ nước ngoài nhưng đây không phải là cách làm bền vững, nhất là khi mục tiêu nghiên cứu của họ không phải lúc nào cũng trùng khớp với mục tiêu của các quỹ đầu tư quốc tế. Về lâu dài, các nhà hoạch định chính sách Argentina phải tạo điều kiện để tăng đầu tư cho R&D từ lĩnh vực tư; cắt giảm chi phí về thuế cho các thiết bị, hóa chất nhập khẩu và đơn giản hóa thủ tục hải quan để chấm dứt thời gian trễ trong nghiên cứu ở các phòng thí nghiệm.