Tuần rồi, hai nhân vật có tầm ảnh hưởng lớn trên mạng là ông Nguyễn Thành Nam của Đại học FPT và ông Trần Trọng Kiên – thủ lĩnh của nhiều công ty du lịch quy mô quốc tế, cùng nhau đưa ra một bài nhận định mang tên “Mười bài toán cấp bách đặt ra cho Du lịch Việt Nam”.

Leo núi cũng là một trong những hình thức của du lịch mạo hiểm.
Leo núi cũng là một trong những hình thức của du lịch mạo hiểm.

Hai ông cũng không quên kèm theo lời nhắn: Bạn nào đang giải các bài toán này, nhắn cho chúng tôi.

Du lịch Việt: Một hiện trạng khác

Ông Nguyễn Thành Nam, một lãnh đạo của FPT, giờ phụ trách trường Đại học FPT giới thiệu: “Có lẽ bây giờ, nhiều bạn trẻ đã quen với khái niệm du lịch trekking (đi bộ dã ngoại) hay du lịch mạo hiểm, trải nghiệm, song không phải ai cũng biết loại hình này xuất hiện ở Việt Nam đã gần 20 năm nay, và người “khai sáng” nó lại là một sinh viên trường Y mới tốt nghiệp khi đó. Sau khi hoàn thành 6 năm đèn sách ở ĐH Y khoa Hà Nội, anh bác sĩ trẻ Trần Trọng Kiên đã tạo bước ngoặt cho mình bằng việc thành lập Buffalo Tours vào năm 1994. Hôm nay Buffalo Tours đã có trị giá hàng trăm triệu đô, nổi tiếng trong ngành du lịch toàn khu vực châu Á. Còn vị bác sĩ “bỏ việc” năm xưa, giờ đã là chủ tịch diễn đàn tư nhân về du lịch Việt Nam, thành viên quan trọng của tổ tư vấn cho chính phủ về kinh tế, tràn đầy khát khao làm chủ ngành du lịch 4.0, đưa toàn ngành du lịch Việt Nam tiến lên”.

Vì lẽ đó, theo ông Nam, ông Kiên là người đủ trình độ để đưa ra nhận định: “Vấn đề lớn nhất của ngành du lịch Việt Nam là năng suất lao động ngành thấp. Trong tất cả các khâu từ tổ chức, vận hành, hạ tầng…. Bởi thế muốn tạo nên đột phá, cần phải sử dụng các giải pháp công nghệ đã có sẵn, tích hợp, kết nối, tạo ra những giá trị mới”.

Và ngày 25/6/2019, tại buổi sinh hoạt thường kỳ của Câu lạc bộ Ái Việt, Trần Trọng Kiên đã công bố 10 cơ hội cho các giải pháp công nghệ du lịch Việt Nam cất cánh. Anh Kiên cho rằng những bài toán này đều không khó về mặt công nghệ, thế giới cũng đã có kinh nghiệm, nhưng cần phải làm nhanh, quyết liệt và quan trọng nhất là hiệu quả.

Ai giải bài toán này?

Gần như trong mấy ngày qua, chia sẻ này nhận được phản hồi rất lớn từ cộng đồng Facebook. Điều thú vị, là rất đông các bạn startup trong lĩnh vực du lịch đều xuất hiện và đưa ra lời giải của mình cho một hoạt hai bài toán này. Có lẽ, đây chính là điểm đánh trúng “yếu huyệt” của ngành du lịch. Cô bạn Annie Vũ, người vừa dành vé vào vòng chung kết cuộc thi VietChallenge tổ chức tại Mỹ tháng 9 tới đây chia sẻ: “Sự thật là em đã đọc bài của anh Kiên và rất bất ngờ, thậm chí phải vỗ đùi đen đét. Báo chí cứ toàn thông tin khách du lịch nhan nhản đang đến Việt Nam nhưng ít có được những ý kiến từ những người trong cuộc, người đi trước và các cách nhìn của họ thực sự mở ra những dấu chấm hỏi và khiến cho những người trẻ như em thôi thúc, muốn tìm được những câu trả lời. Như anh cũng thấy là em nhìn ra vấn đề số 1, Tubudd giải quyết vấn đề số 1, theo em là vấn đề thiết thực và cấp bách dành cho các đơn vị travel trong và ngoài nước và không chỉ mỗi Việt Nam, các nước Đông Nam Á, thậm chí châu Á cũng mắc phải. Em có gặp rất nhiều người nhưng gần đây gặp được anh giám đốc của Hanoi Tourist và đọc bài này của anh Kiên mới thấy hóa ra những câu chuyện này đã có người để ý rồi, chỉ có các đàn anh đi trước đang chờ các cô cậu đàn em theo sau để giải quyết và nâng cấp cách giải quyết vấn đề trên. Và bài này của anh Kiên lại càng củng cố thêm niềm tin trên con đường em đang đi, ít nhất là định hướng cho những startup du lịch mới của em thêm niềm tin vào những gì họ làm. Em cũng muốn được gặp anh Kiên sớm để xin thêm ít ý kiến về business của em để xem anh ấy nghĩ như thế nào. Khác với khi em nói chuyện với những người lớn đi trước và cả những người làm ở Tourism Advisor Board, những cách nhìn của anh Kiên mang tính mới mẻ, đầu bài anh ấy đưa ra không phải nhìn vào bây giờ mà là câu chuyện 5-10 năm nữa, mà nếu mình không nhìn nhận và giải quyết ngay từ bây giờ thì e rằng sẽ quá muộn. Vấn đề là muốn 5-10 năm nữa Việt Nam đón 30 triệu lượt khách du lịch mà để đến 20 năm-30 năm nữa, con số này vẫn tăng chứ không thuyên giảm. Vậy thì những bài toán này phải được giải quyết và đưa lên bàn cân ngay từ bây giờ”.

Tiến sĩ Hồ Trọng Việt, một chuyên gia về trí tuệ nhân tạo thì nhận định: “Tôi vẫn có một niềm tin mãnh liệt là ứng dụng big data – nền tảng dữ liệu lớn vào việc giải bài toán du lịch là cần thiết. Chúng tôi đang nỗ lực xây dựng một platform về du lịch cho phép gợi ý, mô phỏng các tailor-made tour (tour được may đo theo nhu cầu) dựa trên 2 điểm mạnh về personalization – cá nhân hóa – bản địa hóa (yêu cầu đặc thù của đoàn khách: ngân sách, thời gian, phong cách du lịch, ...) và localization (các đánh giá, danh sách việc phải làm, các gợi ý... đều được tùy biến theo phong cách du lịch mà du khách mong muốn với các data được xây dựng bởi local people/expert – những chuyên gia địa phương). Ngoài ra có hai thứ chúng tôi đang nghiên cứu thêm liên quan tới việc cho phép du khách thêm vào các điểm du lịch mong muốn, và đặc biệt hơn là loại bỏ từ đầu khi tìm tour các điểm đã thăm rồi (kiểu như đến Đà Nẵng chẳng còn gì để chơi nên không quay lại). Bắt kịp xu hướng “bình dân hóa” những thứ xa xỉ như tour đặc biệt dành riêng cho một nhóm người”.

Vậy, startup ơi, làm thôi.