Kết quả thẩm tra và lấy phiếu thăm dò các đại biểu Quốc hội tham dự hội nghị mới đây của Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường (KH,CN&MT) cho thấy, hơn 92,6% đồng ý với đề nghị sửa đổi toàn diện Luật CGCN năm 2006.

Việc sửa đổi này nhằm đáp ứng yêu cầu của thực tế, nâng cấp dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật CGCN thành Luật CGCN (sửa đổi).

Máy phay sản xuất vỏ điện thoại của Tập đoàn Viễn thông quân đội Viettel. Ảnh: HM

Ủy ban KH,CN&MT góp ý với ban soạn thảo nhiều điểm cần điều chỉnh. Cụ thể, tại điều 5 dự thảo luật về “Chính sách của Nhà nước đối với hoạt động CGCN”, khoản 2 quy định “ưu tiên phát triển công nghệ cao, công nghệ tiên tiến”.

Tuy nhiên, điều 45 chỉ quy định hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp ứng dụng, đổi mới công nghệ để tạo ra sản phẩm quốc gia, sản phẩm chủ lực, sản phẩm trọng điểm và sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển, không có sản phẩm công nghệ cao. Mặt khác, khoản 2 cũng chưa đề cập, cụ thể hóa về “hỗ trợ nhập khẩu công nghệ nguồn” theo nghị quyết của Quốc hội.

“Cần bổ sung quy định cụ thể về trình tự, thủ tục nhập khẩu công nghệ thuộc danh mục công nghệ cấm chuyển giao phục vụ nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ đặc biệt do Thủ tướng quyết định. Đồng thời, xem xét quy định này trong trường hợp công nghệ không được chuyển giao theo điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên” - Ủy ban KH,CN&MT góp ý.

Cơ quan này cũng đề nghị ban soạn thảo phân loại doanh nghiệp để có quy định phù hợp với từng quy mô, loại hình doanh nghiệp nhằm khuyến khích doanh nghiệp tích cực đổi mới công nghệ, CGCN.