“2015 là năm rất đáng ghi nhớ vì lần đầu tiên chúng ta đạt thứ hạng rất cao trong bảng xếp hạng đổi mới sáng tạo của thế giới. Điều này thể hiện nỗ lực rất lớn của cộng đồng khoa học Việt Nam và của cơ chế chính sách đã được ban hành” - Bộ trưởng Nguyễn Quân nói.


Năm 2015 kết thúc một giai đoạn thực hiện chiến lược Phát triển khoa học và công nghệ (KH&CN) 2011-2020 với những kết quả rất đáng lạc quan: Chỉ số đối mới sáng tạo, số lượng công trình khoa học công bố quốc tế và số lượng sáng chế đăng ký bảo hộ đều tăng vượt bậc.
Thông tin được đưa ra tại hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện chiến lược Phát triển KH&CN giai đoạn 2011-2015 (chiến lược) do Bộ KH&CN tổ chức.
Bộ trưởng Nguyễn Quân phát biểu tại hội nghị. 	Ảnh: Loan Lê
Bộ trưởng Nguyễn Quân phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Loan Lê

Tăng thứ hạng chỉ số đổi mới sáng tạo
Một trong những mục tiêu của chiến lược đề ra là đến năm 2020, Việt Nam phải nằm trong top đầu của ASEAN. Nhưng mới đến năm 2015, Việt Nam đã được WIPO xếp hạng thứ ba trong các nước ASEAN, chỉ sau Singapore và Malaysia.
“Đây là lần đầu tiên Việt Nam được xếp thứ ba kể từ khi có xếp hạng của WIPO 12 năm qua. Đến năm 2015 chúng ta mới có thứ hạng cao. So với năm 2014 chúng ta được thăng hạng tới 19 bậc. Trong số 31 quốc gia có thu nhập trung bình thấp (2.200-4.200USD/đầu người) thì Việt Nam có vinh dự xếp hạng thứ 2/31 quốc gia này về năng lực đổi mới sáng tạo, về trình độ phát triển KH&CN và đứng thứ ba trong ASEAN” - Bộ trưởng Nguyễn Quân nói.
Báo cáo cụ thể hơn về các kết quả sau 5 năm thực hiện chiến lược, Thứ trưởng Trần Việt Thanh cho biết, có thể khẳng định chiến lược đã được Bộ KH&CN, các bộ, ngành, địa phương triển khai tích cực, đúng hướng và đạt được nhiều kết quả quan trọng. Một số mục tiêu đã đạt được hoặc có khả năng đạt được vào năm 2020. Tiềm lực, trình độ KH&CN của Việt Nam từng bước được nâng cao; số lượng các bài báo, công trình khoa học công bố quốc tế và sáng chế của người Việt Nam tuy còn khiêm tốn nhưng đã gia tăng hằng năm.

Theo đó, tổng số bài báo, công trình khoa học được công bố quốc tế của Việt Nam trong giai đoạn 2011-2015 là 11.738 - gấp 2,2 lần so với giai đoạn 2006-2010. Tốc độ tăng bình quân là 19,5%, đạt mức cao so với mục tiêu của chiến lược. Toán học, vật lý, hóa học tiếp tục là những lĩnh vực có thế mạnh của Việt Nam, chiếm 40% tổng số công bố quốc tế trong 5 năm qua. Riêng toán học, Việt Nam có số lượng công bố quốc tế đứng đầu Đông Nam Á.

Lý giải về việc tăng vượt trội này, Thứ trưởng Trần Việt Thanh cho rằng: “Nguyên nhân quan trọng làm tăng số lượng công bố quốc tế của Việt Nam 5 năm qua là sự tăng quy mô và hiệu quả hỗ trợ hoạt động nghiên cứu, đặc biệt là nghiên cứu cơ bản từ nguồn ngân sách nhà nước thông qua Quỹ Phát triển KH&CN quốc gia. Quỹ áp dụng cơ chế tài trợ các dự án nghiên cứu theo chuẩn mực quốc tế; chú trọng sản phẩm đầu ra (số lượng bài báo, công trình công bố quốc tế); minh bạch hoá quy trình xét chọn, tuyển chọn nhiệm vụ. Tuy nhiên, phần lớn các công bố quốc tế xuất xứ từ Việt Nam đều là các bài báo, công trình đứng tên chung với tác giả nước ngoài; chỉ số trích dẫn quốc tế và chỉ số tác động khoa học còn chưa đạt mức trung bình thế giới” - Thứ trưởng Trần Việt Thanh thẳng thắn nhìn nhận.

Rút ngắn khoảng cách năng lực cạnh tranh

Một trong những điểm đáng lưu tâm là trong giai đoạn 2011-2015, số sáng chế, giải pháp hữu ích được bảo hộ tăng 62% so với giai đoạn 2006-2010.

Cụ thể, số đơn đăng ký bảo hộ sáng chế, giải pháp hữu ích giai đoạn 2011-2015 là 22.674 (giai đoạn 2006-2010 là 15.989). Số văn bằng bảo hộ sáng chế, giải pháp hữu ích giai đoạn tương ứng là 6.391 và 3.940.

Theo Thứ trưởng Trần Việt Thanh, mặc dù đạt được mục tiêu của chiến lược, số đơn do các tổ chức, cá nhân Việt Nam đăng ký còn rất khiêm tốn (chỉ khoảng 20%).

Trong một số lĩnh vực, điển hình như dược - mỹ phẩm, lượng đơn và văn bằng bảo hộ sáng chế của chủ đơn nước ngoài chiếm tuyệt đại đa số, chủ yếu là từ các nước công nghiệp phát triển như Mỹ, Đức, Thụy Sỹ, Pháp, Nhật Bản, Bỉ. Số đơn sáng chế bảo hộ quốc tế có nguồn gốc Việt Nam rất thấp.

“Số sáng chế thấp phản ánh thực trạng năng lực nghiên cứu ứng dụng của các viện, trường đại học, doanh nghiệp và năng lực công nghệ trong nước. Tuy nhiên, trình tự bảo hộ phức tạp, chi phí xác lập và bảo vệ quyền, tâm lý e ngại bộc lộ tính mới của giải pháp kỹ thuật hoặc việc không có nhu cầu thương mại hóa sáng chế tại các thị trường quốc tế cũng là nguyên nhân khiến số lượng đơn và văn bằng sáng chế của người Việt Nam không cao” - Thứ trưởng Trần Việt Thanh nhận định.

Cũng phải thấy rằng, thời gian qua, tốc độ đổi mới công nghệ, năng lực công nghệ của quốc gia và doanh nghiệp đã được tăng cường.

Khoảng cách giữa Việt Nam và các nước trong khu vực đã rút ngắn đáng kể trong xếp hạng năng lực cạnh tranh, năng lực đổi mới sáng tạo toàn cầu và ở một số lĩnh vực KH&CN có thế mạnh. Trong điều kiện quy mô, tiềm lực kinh tế còn thấp, Việt Nam đã có những tiến bộ đáng khích lệ so với các quốc gia có quy mô kinh tế tương đồng xét về trình độ, môi trường cho phát triển KH&CN.

Đổi mới hệ thống chính sách KH&CN

Thực tế cho thấy giai đoạn 2011-2015, môi trường thể chế và hệ thống pháp luật về KH&CN của Việt Nam được hoàn thiện trong bối cảnh đặc biệt thuận lợi khi lần đầu tiên Đảng và Nhà nước đồng thời ban hành các văn bản tối cao khẳng định rõ quan điểm, đường lối và tầm nhìn dài hạn về phát triển KH&CN.

Các đổi mới tích cực nhất tập trung vào 3 nhóm chế định: Đầu tư và tài chính; chính sách cán bộ; quản lý hoạt động nghiên cứu và ứng dụng KH&CN. Đặc biệt, việc ấn định mức chi tối thiểu 2% số ngân sách nhà nước hằng năm cho KH&CN là sự luật hóa cam kết của Nhà nước đầu tư cho KH&CN. Nhiều đổi mới khác đang tạo động lực lớn trong cộng đồng khoa học như: Mở rộng cơ chế quỹ, khoán chi đến sản phẩm cuối cùng, đổi mới nội dung và định mức chi để tháo gỡ các vướng mắc về tài chính cho KH&CN; tăng cường cơ chế đặt hàng nhiệm vụ KH&CN để đảm bảo giải quyết trúng nhu cầu của thực tiễn; trao quyền sở hữu kết quả KH&CN có sử dụng ngân sách nhà nước cho cơ quan chủ trì để thúc đẩy thương mại hóa, ứng dụng rộng rãi thành tựu KH&CN; cụ thể hóa các chính sách thu hút, sử dụng cán bộ KH&CN theo các nhóm đối tượng mục tiêu: Nhà khoa học trẻ tài năng, nhà khoa học chủ trì nhiệm vụ trọng điểm quốc gia, nhà khoa học đầu ngành, nhà khoa học là người Việt Nam ở nước ngoài và người nước ngoài…

Nhìn nhận bước đầu về những thành tựu đã đạt được, Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân cho rằng kết quả này thể hiện sự nỗ lực của cộng đồng khoa học cùng với sự tác động tích cực từ cơ chế, chính sách do các cơ quan Đảng, Nhà nước, Chính phủ ban hành trong những năm qua.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Quân, “năm 2015 là năm rất đáng ghi nhớ vì lần đầu tiên chúng ta được xếp thứ hạng rất cao trong bảng xếp hạng đổi mới sáng tạo của thế giới. Điều này thể hiện nỗ lực rất lớn của cộng đồng khoa học Việt Nam và của cơ chế chính sách đã được ban hành”.

Mặc dù những kết quả bước đầu thể hiện sự nỗ lực không ngừng của cộng đồng khoa học và cơ quan quản lý, tuy nhiên để tiếp tục thực hiện thành công mục tiêu đề ra của chiến lược là chuyện không đơn giản. Theo đó, trong số 6 kiến nghị trình lên Chính phủ, Bộ KH&CN có đề nghị được cùng với các bộ, ngành, địa phương nghiên cứu và trình Thủ tướng Chính phủ phương án điều chỉnh chiến lược phát triển KH&CN giai đoạn 2016-2020 với các mục tiêu và giải pháp khả thi, phù hợp với tình hình mới.