Tôi vinh dự được ghé thăm Khu trưng bày dưới tầng hầm tòa nhà Quốc hội cùng 3 vị khách; khi vừa kết thúc chuyến tham quan, tôi hỏi họ “cảm giác bây giờ của các bạn thế nào” và tất cả đều đồng thanh “quá ấn tượng, cảm xúc và tự hào”.

Hãy sẵn sàng đón những bất ngờ

Khi chúng tôi bước vào Khu trưng bày, chỉ có một hướng dẫn viên đang chờ sẵn, thế nhưng đi đến đâu, tiếng nhạc, tiếng chim hót, những bộ phim, hình ảnh mô phỏng 3D sống động đều tự động được bật lên khiến chúng tôi ngạc nhiên vô cùng. Càng khám phá Khu trưng bày, tôi càng cảm thấy nơi đây như một lãnh địa cất giấu những “bí ẩn”về công nghệ, “bí ẩn” về kịch bản trưng bày, sẵn sàng đưa tôi và các vị khách đi từ bất ngờ này sang bất ngờ khác.

Khách tham quan đang chiêm ngưỡng các di vật trên màn hình cảm ứng, có thể phóng to di chuyển và lựa chọn di vật qua các thời kỳ.

Đặc biệt, lối đi trong Khu trưng bày được thiết kế bằng kính dày, trong suốt, bên dưới là những mô tả công trường khai quật Hoàng thành, khiến người xem như đang ở giữa công trường đó.

Khu trưng bày thiết kế đường đi bằng kính dày, trong suốt, dưới đó là những mô tả công trường khai quật Hoàng thành khiến người xem như đang được ở giữa trung tâm khai quật.

PGS.TS Bùi Minh Trí - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh thành - Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, đơn vị thực hiện dự án“Trưng bày di tích, di vật dưới tầng hầm Nhà Quốc hội”- cho biết: “Nếu như hầu hết các bảo tàng đều trưng bày các cổ vật, di tích sưu tập ở khắp nơi thì điều đặc biệt của Khu trưng bày dưới tầng hầm tòa nhà Quốc hội là chỉ trưng bày những gì phát hiện tại chỗ và phản ánh đời sống, lịch sử, văn hóa trong hoàng cung xuyên suốt bề dày lịch sử 1.300 năm (thời kỳ Tiền Thăng Long và thời kỳ Thăng Long)”.

Mộ ngựa thời Đinh - Tiền Lê, thế kỷ 10. Di cốt ngựa còn khá nguyên vẹn được chôn sâu dưới đất trong tư thế nằm.

Tòa nhà Quốc hội tọa lạc trên mảnh đất vốn là một bộ phận quan trọng ở phía Tây Nam cấm thành Thăng Long và thuộc quần thể Hoàng thành Thăng Long. Theo PGS Trí, việc trưng bày các di tích, di vật được khai quật tại chỗ dưới tầng hầm Nhà Quốc hội giống như tạo ra sự kết nối giữa một trong những cơ quan quyền lực cao nhất của đất nước với truyền thống lịch sử văn hiến của dân tộc.

Công nghệ cao phục vụ cho kịch bản trưng bày

Với 3.700 m2, Khu trưng bày chỉ đủ chỗ trưng bày những giá trị cốt lõi nhất của những phát hiện khảo cổ học trong diện tích 14.200m2 của khu vực Hoàng thành Thăng Long.

Tượng đầu rồng, trang trí mái kiến trúc bằng đất nung thời Lê sơ, thế kỷ 15 - 16.

Các di tích, di vật thời kỳ Tiền Thăng Long, bao gồm thời Đại La (thế kỷ 7-9) và thời Đinh - Tiền Lê (thế kỷ 10) được trưng bày ở tầng hầm 02 trong diện tích gần 2.000m2. Tại đây các di tích nền móng kiến trúc cùng giếng nước, mộ ngựa, xâu tiền của các thời kỳ được trưng bày dưới sàn giống như bối cảnh khai quật.

Trong khi đó, các di vật thời kỳ Thăng Long (thời Lý, Trần đến thời Lê) được trưng bày ở tầng hầm 01 trên diện tích gần 1.700m2. Nổi bật nhất ở đây là kiến trúc mô phỏng cung điện thời Lý, được hỗ trợ bởi hệ thống đèn cột chiếu sáng để tạo hiệu ứng 3D, một hạng mục được đầu tư rất nhiều công sức trong việc nghiên cứu so sánh, thu thập tư liệu để có cơ sở phục dựng.

Mộ ngựa thời Đinh - Tiền Lê, thế kỷ 10. Di cốt ngựa còn khá nguyên vẹn được chôn sâu dưới đất trong tư thế nằm.

Theo PGS Trí, để cho mọi người hiểu được giá trị của những phát hiện khảo cổ học là điều rất khó khăn bởi đó phần nhiều là những mảnh vỡ của lịch sử, không dễ gì mà sắp xếp được thành câu chuyện.

“Ngoài những ý tưởng, nội dung khoa học, chúng tôi còn tận dụng công nghệ hiện đại. Chúng tôi không bê nguyên công nghệ về mà phải đầu tư, nghiên cứu để công nghệ phục vụ hiệu quả nhất cho nội dung khoa học trưng bày hay các kịch bản trưng bày. Tất cả các công nghệ tại Khu trưng bày có thể nói là đột phá vì ngay cả những người bán thiết bị, máy móc cũng không tưởng tượng chúng tôi dùng chúng vào những việc như vậy”, PGS Trí chia sẻ.

Do Nhà Quốc hội nằm ở phía Tây nam của Kinh đô Thăng Long xưa nên trước khi khởi công xây dựng công trình, Thủ tướng Chính phủ đã giao nhiệm vụ cho Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam triển khai khai quật khảo cổ học tại đây từ năm 2008 – 2009. Kết quả, đã phát hiện140 di tích cùng hàng chục ngàn hiện vật thuộc các thời kỳ. Sau đó, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đã giao cho Viện Nghiên cứu Kinh thành chủ trì Dự án “Trưng bày di tích, di vật dưới tầng hầm Nhà Quốc hội” từ những hiện vật khai quật được và dự án này được tiến hành trong 5 năm.

Ngói úp nóc trang trí rồng, phượng thời Lý, thế kỷ 11 - 12. Khách tham quan có thể vừa xem hiện vật trực tiếp và xem giới thiệu thông tin qua màn hình phía sau.

Bức tranh “Rồng bay” ghép từ gạch ngói lấy cảm hứng từ hình tượng rồng thời Lý và ghi chép của sử cũ về sự kiện Mùa thu năm 1010, khi vua Lý Thái Tổ hạ Chiếu dời đô từ Hoa Lư về đây và đổi tên thành Thăng Long.