Nhận thức rõ được tầm quan trọng của việc xây dựng thương hiệu, nhiều địa phương trong cả nước đã tích cực đẩy mạnh công tác này dưới nhiều hình thức. Tuy nhiên, có một thực tế: Việc xây dựng thương hiệu đặc sản vùng, miền đang theo kiểu… phong trào.

Nhờ đăng ký SHTT, nhiều sản phẩm, sáng chế đã thương mại hóa góp phần vào phát triển KT-XH. (Trong ảnh: Triển lãm các sản phẩm nhân hội nghị tổng kết Chương trình hỗ trợ và phát triển TSTT 2011-2015).
Nhờ đăng ký SHTT, nhiều sản phẩm, sáng chế đã thương mại hóa góp phần vào phát triển KT-XH. (Trong ảnh: Triển lãm các sản phẩm nhân hội nghị tổng kết Chương trình hỗ trợ và phát triển TSTT 2011-2015).
Phóng viên có cuộc phỏng vấn với ông Lưu Đức Thanh - Trưởng phòng Chỉ dẫn địa lý, Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ.
Ông đánh giá như thế nào về tiềm năng phát triển của các sản phẩm là đặc sản của địa phương hiện nay?
Những năm gần đây, sản lượng nông nghiệp của nước ta rất lớn, thậm chí xuất khẩu đứng hàng đầu thế giới, ví dụ như gạo, càphê, hạt điều, cacao, hải sản…Tuy nhiên, công tác xuất khẩu vẫn đang dừng lại ở phần thô mà chưa có được một thương hiệu riêng về sản phẩm để xuất khẩu, trong khi đó công tác xây dựng thương hiệu của chúng ta mới đang chỉ bắt đầu.
Tôi cho rằng tiềm năng để xây dựng các thương hiệu đặc sản thuộc các vùng, miền rất lớn, chúng ta cần phải đẩy mạnh công tác này hơn nữa. Hiện nay, nhiều địa phương cũng đang tích cực đẩy mạnh công tác xây dựng thương hiệu cho đặc sản của mình dưới các hình thức xây dựng và phát triển thương hiệu: Nhãn hiệu, nhãn hiệu tâp thể, nhãn hiệu chứng nhận, chỉ dẫn địa lý.
Các địa phương cũng đang nhận được sự hỗ trợ tích cực của các đoàn thể, cơ quan quản lý nhà nước và Chính phủ thông qua các chương trình hỗ trợ phát triển tài sản sở hữu trí tuệ cho các doanh nghiệp và địa phương. Tuy nhiên, việc xây dựng thương hiệu cho đặc sản địa phương hiện đang gặp nhiều khó khăn và vướng mắc.
Như ông vừa nói thì đang có những khó khăn, trở ngại nào trong việc phát triển thương hiệu cho đặc sản địa phương hiện nay, thưa ông?
Đúng là có vấn đề như vậy, hiện nay nói về thương hiệu chúng tôi cũng không đề cập đến nhiều.
Nhưng nói về nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận đăng ký cho các sản phẩm đặc sản của địa phương thì hiệu quả cũng chưa cao. Nguyên nhân là do chúng ta chưa xây dựng được cơ chế kiểm soát chất lượng, chưa có đủ trình độ kỹ thuật để đảm bảo chất lượng, sản phẩm để cung cấp cho thị trường khi thị trường có nhu cầu.
Thậm chí chúng ta không có được một quy hoạch cần thiết để đảm bảo được nguồn sản phẩm không bị dư thừa. Thường có một nghịch lý là khi được mùa thì mất giá. Còn để cho một đối tượng đặc sản địa phương phát triển, tôi nghĩ rằng chính quyền địa phương đóng vai trò rất quan trọng; ở nơi nào chính quyền địa phương quan tâm sâu sát, ở nơi đó sẽ phát triển.
Có ý kiến cho rằng để có được chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận cho các đặc sản địa phương là quá trình phức tạp và tốn kém. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
Việc đăng ký không có gì phức tạp. Theo quy định pháp luật, chỉ cần đầy đủ hồ sơ giấy tờ sẽ được thẩm định và hồ sơ đáp ứng được các điều kiện theo quy định pháp luật sẽ được cấp văn bằng. Hiện nay, chi phí đăng ký của ta so với các nước trong khu vực là thấp nhất.
Vấn đề thực sự khó khăn nằm ở chỗ quản lý các đối tượng này như thế nào, vì việc xây dựng cơ chế còn tùy thuộc vào điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương, vào sự hiểu biết của người dân khu vực, vào nhiệt tình và năng động của chính quyền địa phương. Với cách tiếp cận khác nhau như vậy nên chi phí cũng khác nhau… Đây mới là vấn đề phức tạp, khó khăn.
Theo như tôi được biết, ở mức độ nào đấy thì tất cả các tỉnh, thành đang có phong trào xây dựng thương hiệu. Tuy nhiên, công tác xây dựng thương hiệu của ta đang có những bất đồng, một số nơi loáng thoáng có làm nhưng chưa trở thành chiến lược cụ thể.
Vậy, Cục Sở hữu trí tuệ và Bộ Khoa học và Công nghệ đã có những giải pháp gì để tháo gỡ những khó khăn trên, thưa ông?
Bộ Khoa học và Công nghệ trong những năm qua đã có những chính sách hữu hiệu và thiết thực, ví dụ như chương trình Hỗ trợ hoạt động sáng tạo, Hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ (chương trình 68) đã hỗ trợ cho các địa phương kinh phí, phương pháp luận, thậm chí là các chuyên gia để có thể tiến hành xây dựng những đề án, dự án nhằm phát triển các thương hiệu vùng, miền.
Ngoài ra, Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ cũng chỉ đạo trực tiếp tất cả những đơn vị, những vấn đề liên quan đến đặc sản vùng, miền phải tập trung giải quyết ngay.
Chúng ta cần làm gì để các nông sản Việt có thương hiệu quốc gia, thưa ông?
Đây là vấn đề liên quan đến việc xây dựng thương hiệu, mà thương hiệu là một khái niệm tương đối rộng và không rõ ràng, làm sao xây dựng được thương hiệu trở thành hình ảnh, sản phẩm của một khu vực, thậm chí là của cả một quốc gia được thể hiện thông qua chất lượng sản phẩm là vấn đề lâu dài.
Tuy nhiên, khi nói đến chất lượng sản phẩm người ta hiểu đó là vùng, khi nói đến vùng thì hiểu đề cập đến sản phẩm. Để làm được điều đó thì việc đầu tiên cần phải đáp ứng được chất lượng, chỉ khi đảm bảo được chất lượng thì mới làm cho người tiêu dùng hình thành thói quen suy nghĩ và sử dụng sản phấm.
Xin cảm ơn ông!