Mô hình được ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ để nhân giống, trồng và sơ chế cây ba kích, cà gai leo đạt tiêu chuẩn GACP (thực hành trồng trọt tốt và thu hái ) của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) được triển khai tại Bắc Giang.

Sở Khoa học và Công nghệ Bắc Giang vừa tổ chức xét duyệt thuyết minh dự án “Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ xây dựng mô hình nhân giống, trồng và sơ chế cây ba kích, cà gai leo đạt tiêu chuẩn GACP-WHO tại Bắc Giang” do Công y TNHH một thành viên Kim Hoàng chủ trì thực hiện.

Dự án thuộc Chương trình Nông thôn miền núi, ủy quyền địa phương quản lý năm 2017 thực hiện trong thời gian 36 tháng với tổng kinh phí dự kiến khoảng 7 tỷ đồng.

Cây cà gai leo có nhiều tác dụng quý
Bắc Giang sẽ xây dựng mô hình cà gai leoquy mô 1.000 m2

Dự án có mục tiêu tiếp thu và làm chủ các quy trình công nghệ trong trồng, sơ chế ba kích và cà gai leo theo tiêu chuẩn GACP-WHO phù hợp với điều kiện của Bắc Giang; xây dựng được mô hình nhân giống với quy mô 01 ha bao gồm 0.5 ha vườn giống gốc ba kích, 0.5 ha vườn giống gốc cà gai leo; xây dựng vườn ươm nhân giống cây ba kích, cà gai leo quy mô 1.000 m2 theo phương thức bán kiên cố, cọc bê tông, có hệ thống lưới đen điều chỉnh cường độ ánh sáng, có hệ thống tưới phun; xây dựng mô hình sản xuất dược liệu theo tiêu chuẩn GACP-WHO với quy mô 20 ha ba kích, và 05 ha cà gai leo tại 2 huyện Lục Nam và Sơn Động; xây dựng mô hình sơ chế dược liệu ba kích và cà gai leo đạt tiêu chuẩn Dược điển Việt Nam.

Cây ba kích và cà gai leo là cây dược liệu quý. Cà gai leo là một vị thuốc nam quý được Y học cổ truyền ghi nhận về tác dụng ổn định tế bào gan, tăng cường chức năng của gan. Ngày nay y học hiện đại đã nghiên cứu, chứng minh cà gai leo có những hoạt chất quý cho gan.

Cây ba kích có tên khoa học là Morinda officinalis stow. Theo đông y, ba kích có vị ngọt, tính ấm, khá tốt cho người già, nam giới, người bị suy nhược và thường được sử dụng để điều trị nhiều căn bệnh khác nhau. Đơn cử như trị thận hư, đau lưng; trị huyết áp cao...

Với việc triển khai dự án, xây dựng quy trình công nghệ trong trồng, sơ chế ba kích và cà gai leo theo tiêu chuẩn GACP không chỉ mang lại nguồn lợi về kinh tế cho địa phương mà còn giúp xây dựng vùng nguyên liệu đạt chuẩn phục vụ việc sản xuất dược liệu phục vụ sức khỏe cộng đồng.