Với việc xây dựng trạm thông tin cộng đồng, nông dân Bến Tre dễ dàng tra cứu các giải pháp chọn giống cây trồng, vật nuôi, vật tư nông nghiệp cũng như biện pháp kỹ thuật thích ứng với thực tiễn xâm nhập mặn, nắng nóng kéo dài...

Dự án “Xây dựng trạm thông tin khoa học và công nghệ (KH&CN) phục vụ cộng đồng, góp phần xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Bến Tre trong bối cảnh xâm nhập mặn và biến đổi khí hậu” mà Bộ KH&CN hỗ trợ tỉnh triển khai thông qua chương trình Nông thôn, miền núi đã đem lại những kết quả khả quan.

Tình trạng xâm nhập mặn khiến bà con nông dân phải thay đổi giống cây, con và kỹ thuật canh tác. Ảnh: CK
Tình trạng xâm nhập mặn khiến bà con nông dân phải thay đổi giống cây, con và kỹ thuật canh tác.
Ảnh: CK

Sở KH&CN Bến Tre cho biết, tác động của biến đổi khí hậu ngày càng rõ rệt hơn: Mùa khô, lưu lượng nước ít hơn khiến nước mặn xâm nhập sâu vào nội địa; trong khi vào mùa mưa, lưu lượng nước đổ nhiều hơn trước, gây lũ ngập và sạt lở ven sông... Những vùng đất mương liếp trước đây có hệ sinh thái nước ngọt quanh năm, nay mỗi năm có tới 2-3 tháng nhiễm lợ, mặn. Biến đổi khí hậu cũng gây nắng nóng kéo dài, nhiệt độ có thời điểm tăng rất cao, ảnh hưởng lớn đến đời sống cộng đồng. Dự án có kinh phí 3 tỷ đồng kể trên được kỳ vọng cung cấp thông tin để người dân sẵn sàng thích ứng trong sản xuất.

Dự án được triển khai trên địa bàn 16 xã nông thôn mới của tỉnh Bến Tre, kết quả đã chuyển giao trên 58.000 thông tin KH&CN từ Trạm thông tin cộng đồng và 100 phim khoa học hỗ trợ việc khai thác, cung cấp các quy trình kỹ thuật phục vụ đời sống sản xuất của người dân.

Dự án cũng trang bị thiết bị tin học và thành lập trang web cho mỗi xã nhằm phục vụ tốt hơn công tác đưa các thông tin khoa học vào đời sống người dân, góp phần cung cấp thông tin về thị trường, quy trình kỹ thuật cho bà con nông dân tại địa phương. Từ đó, người dân nông thôn có thể dễ dàng tra cứu các giải pháp, quy trình kỹ thuật để lựa chọn giống cây trồng, vật nuôi, vật tư nông nghiệp, biện pháp kỹ thuật thích ứng với thực tiễn xâm nhập mặn, nắng nóng kéo dài... để vận dụng kiến thức, thông tin có được vào thực tiễn sản xuất và đời sống.

Ban quản lý chương trình Nông thôn, miền núi đánh giá, dự án đã giúp bà con địa phương tiếp nhận, làm chủ và phát triển các công nghệ để giải quyết vấn đề nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, góp phần thực hiện các chủ trương, chính sách của tỉnh về phát triển cây trồng chủ lực đặc sản của địa phương như cây dừa, cây bưởi da xanh, phát triển nghề trồng nấm, tạo ra những sản phẩm có giá trị kinh tế cao, góp phần đẩy mạnh việc ứng dụng KH&CN vào đời sống và sản xuất. Các dự án cũng đã tạo kênh kết nối giữa tổ chức KH&CN với địa bàn nông thôn, giữa nhà khoa học, doanh nghiệp với nông dân.