Tiến sỹ (TS) Đỗ Hồng Thanh - Giám đốc Sở KH&CN Tuyên Quang - cho biết, UBND tỉnh Quyên Quang đã ban hành nhiều chính sách ưu đãi đầu tư đối với các dự án trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ, thương mại và nông, lâm, ngư nghiệp.

Tiến sỹ (TS) Đỗ Hồng Thanh - Giám đốc Sở KH&CN Tuyên Quang - cho biết, với mục tiêu đưa Tuyên Quang trở thành tỉnh phát triển khá trong các tỉnh miền núi phía bắc vào năm 2020, UBND tỉnh Quyên Quang đã ban hành nhiều chính sách ưu đãi đầu tư đối với các dự án trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ, thương mại và nông, lâm, ngư nghiệp.

Nhà máy phôi thép Tuyên Quang chuẩn bị nâng cấp dây chuyền và đầu tư giai đoạn 2 tại Khu công nghiệp Long Bình An (Tuyên Quang). Ảnh: Lê Thắng

Cụ thể là chương trình hành động số 06 của UBND tỉnh về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020; nghị quyết số 41 của HĐND tỉnh quy định chính sách đặc thù khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016-2020; kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 19-2016/NQ-CP của Chính phủ và nghị quyết số 17-NQ-TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia 2 năm 2016-2017, định hướng đến năm 2020; chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 35 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020... Với những chính sách này, theo ông Thanh trong thời gian tới chắc chắn các dự án đầu tư vào Tuyên Quang sẽ sôi động hơn.

Trong giai đoạn 2014-2016, Sở KH&CN Tuyên Quang đã tham gia thẩm tra, thẩm định thực hiện 77 đề án, quy hoạch, dự án đầu tư, báo cáo đánh giá tác động môi trường. Việc bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ đối với từng cán bộ được Tuyên Quang tổ chức thường xuyên.

Tuy nhiên, để đảm bảo công tác thẩm định, đánh giá công nghệ đạt chuẩn, TS Đỗ Hồng Thanh bày tỏ mong muốn Bộ KH&CN tăng cường công tác đào tạo kiến thức KH&CN chuyên ngành cho đội ngũ công chức các sở KH&CN, nhất là công tác thẩm định, giám định công nghệ, xây dựng, thẩm định và quản lý các đề tài, dự án cấp tỉnh, dự án nông thôn miền núi.

“Nếu Bộ KH&CN có các chương trình tập huấn riêng về các kiến thức chuyên môn để thẩm định nhiều dự án, nhiều loại hình khác nhau thì sẽ hỗ trợ tốt hơn cho các địa phương. Bên cạnh đó, để đánh giá tác động môi trường tại các dự án, việc đầu tư trang thiết bị cũng rất cần thiết. Chúng tôi rất mong được bộ hỗ trợ để nâng cao nghiệp vụ chuyên môn” - ông Thanh nói.

Để ngăn chặn, hạn chế việc chuyển giao công nghệ, thiết bị lạc hậu vào Việt Nam, Luật Chuyển giao công nghệ 2017 vừa được Quốc hội thông qua quy định về công tác thẩm định công nghệ dự án đầu tư, trong đó quy định cụ thể loại dự án phải thẩm định, có ý kiến về công nghệ. Ý kiến về công nghệ của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền là một nội dung bắt buộc trong nội dung văn bản thẩm định dự án đầu tư khi trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định chủ trương đầu tư.

Đồng thời, luật cũng quy định về việc kiểm tra, giám sát công nghệ trong các dự án đầu tư, chuyển giao công nghệ, quy định rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước về KH&CN và cơ quan có liên quan trong kiểm tra, giám sát việc ứng dụng và chuyển giao công nghệ trong dự án đầu tư, kiểm tra, giám sát đầu tư.