Với giá bán có lúc lên tới 70.000 đồng/kg, thanh long ruột đỏ đã trở thành cây thoát nghèo của nông dân huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Tuy nhiên, do giá trị kinh tế cao nên cơ quan quản lý cho rằng cần có sự quy hoạch thích hợp, không nên trồng ồ ạt để tránh rơi vào tình trạng thừa hàng, giá rẻ như thanh long ruột trắng.

Thoát nghèo nhờ thanh long ruột đỏ

“Nhờ có trái thanh long ruột đỏ, xã Bông Trang đã thoát nghèo thành công. Nếu như trồng tiêu, điều, mỗi năm chúng tôi chỉ thu hoạch một vụ thì thanh long cho phép làm 3 vụ - hai vụ chưng đèn cho quả trái mùa và một vụ ra trái theo quy luật tự nhiên. Quả trái vụ thường có giá cao. Nhờ thế, những hộ có 3-4 sào sẽ đủ ăn, đủ mặc; những hộ có diện tích lớn hơn đã mua được nhà, sắm sửa đồ dùng trong nhà” - ông Mai Văn Tiết - một trong 5 hộ đã góp 7 sào đất (sào Nam Bộ, mỗi sào tương đương 1.000m2) vào dự án thử nghiệm trồng thanh long - chia sẻ.

Bông Trang và Bưng Riềng là 2 xã đầu tiên của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu trồng cây thanh long ruột đỏ. Trước đó, nông dân ở đây có trồng thanh long ruột trắng nhưng lợi nhuận không cao.
“Trước năm 2015, gia đình tôi chỉ thu nhập khoảng 50-60 triệu đồng/năm từ tiêu và điều. Có năm điều mất giá, chỉ khoảng 10.000 đồng/kg, tiêu thì vướng dịch bệnh, sản lượng thấp, thu nhập còn kém hơn nữa. Vì thế, khi hội nông dân kêu gọi góp đất trồng thử nghiệm thanh long ruột đỏ, tôi tham gia ngay. Hai năm đầu, Nhà nước hỗ trợ giống và phân bón; gia đình đầu tư cơ sở vật chất như trụ cây, hệ thống tưới tiêu và bóng đèn chiếu sáng” ông Tiết cho biết.

Với cây trồng mới này, mỗi năm gia đình ông Tiết thu về 250-300 triệu đồng. Trong đó, giá thanh long trái vụ thường dao động từ 25.000-30.000 đồng/kg, có thời điểm lên tới 70.000 đồng/kg - gấp 3 lần so với thanh long ruột trắng.

Nông dân xã Bông Trang chăm sóc thanh long ruột đỏ. Ảnh: Tuyết Nguyễn

Thạc sỹ Phạm Tấn Phước - Phó ban Tuyên giáo Hội Nông dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, chủ nhiệm dự án phát triển thanh long ruột đỏ - tính toán, trung bình thanh long ruột đỏ cho doanh thu khoảng 400-450 triệu đồng/ha mỗi năm, rất đáng kể khi so với những cây ăn trái có lợi nhuận cao khác trong địa bàn tỉnh (như mít khoảng 200-250 triệu đồng/ha, nhãn xuồng, nhãn da bò từ 100-150 triệu đồng/ha mỗi năm).

Ông Phước cho biết thêm: “Theo đánh giá của bà Đào Thị Ngọc Dung - Giám đốc Trung tâm Phát triển cây thanh long Bình Thuận, thanh long ruột đỏ của Bà Rịa - Vũng Tàu có chất lượng và năng suất tương đương các vùng trồng nổi tiếng như Bình Thuận, Long An, Tiền Giang”.

Cần quy hoạch vùng trồng

Để trái thanh long có mẫu mã đẹp, thịt ngọt và đảm bảo tiêu chuẩn VietGAP nhằm vào được các siêu thị và xuất khẩu, bán được giá cao, hội nông dân phải cử kỹ sư xuống vườn hướng dẫn bà con. Thạc sỹ Phạm Tấn Phước cho hay: “Thanh long ruột đỏ dễ bị sâu bệnh nên cần quy trình chăm sóc kỹ lưỡng. Lâu nay, bà con chủ yếu trồng theo kinh nghiệm nên gặp nhiều bỡ ngỡ khi áp dụng VietGAP. Để cây ra trái đạt yêu cầu, các kỹ sư của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải thường xuyên tổ chức tập huấn để họ nắm chắc quy trình đến khi thu hoạch”.

Ông Mai Văn Tiết cho biết, sau 2 năm triển khai mô hình trồng thanh long ruột đỏ, thấy đầu ra ổn định, thu nhập tốt, nhiều bà con trong xã cũng đầu tư. Mới đây, khi xuất hiện giống thanh long mới có ruột tím đỏ, trái to, đẹp, ngọt đậm, lại bảo quản được tới 15 ngày, bà con trồng ồ ạt. Giá hom giống giảm nhiều so với trước cũng là một lý do khiến nông dân đua nhau trồng thanh long - chỉ từ 5.000-7.000 đồng/hom so với mức giá 25.000-30.000 đồng/hom cách đây 2 năm.

Trước tình hình đó, thạc sỹ Phạm Tấn Phước cho rằng cần có quy hoạch vùng trồng rõ ràng trên địa bàn tỉnh: “Thanh long là loại cây không kén đất nhưng phải có sự quy hoạch vùng trồng. Ở Bà Rịa - Vũng Tàu, Hội Nông dân tỉnh, Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đều đã tính toán các vùng trồng để tránh tình trạng bà con thấy giá cao, nguồn ra ổn định nên trồng ồ ạt. Theo đó, các vùng đất cát pha thuộc huyện Xuyên Mộc cần được quy hoạch để phát triển thanh long ruột đỏ. Các huyện khác của tỉnh với đất đỏ bazan thì nên trồng cây công nghiệp như caosu, tiêu, điều”.

“Nếu người dân trồng tràn lan sẽ rất dễ phát sinh dịch bệnh. Đặc biệt, nếu cầu vượt cung, giá cả sẽ không còn ổn định nữa” - ông Phước cảnh báo và cho biết đến nay, từ 2ha trong dự án, diện tích trồng thanh long ruột đỏ đã lên tới khoảng 30ha tại 2 xã Bưng Riềng và Bông Trang.