Từ cây trồng ít được người dân quan tâm, chỉ trong thời gian ngắn, mãng cầu xiêm đã trở thành cây trồng thế mạnh của xã Hiệp Lợi, thị xã Ngã Bảy - Hậu Giang cho thu nhập tiền tỷ/ha/năm, đứng sau cây cam sành.

Hiện nay, những mảnh vườn hay thửa ruộng canh tác kém hiệu quả đang được người dân địa phương mạnh dạn lên liếp trồng mãng cầu xiêm. Một phần là do thị trường tiêu thụ loại trái cây này tương đối lớn, giá ổn định, lợi nhuận kinh tế cao. Vào thời điểm hút hàng, mãng cầu xiêm có giá lên đến 30.000 đồng/kg, thấp nhất cũng dao động ở mức 15.000 - 16.000 đồng/kg. Đặc biệt, thương lái đến tận vườn đặt hàng khi trái còn nhỏ khiến nhiều nông dân phấn khởi hơn. Theo ước tính của nhà vườn, 1 ha mãng cầu xiêm xử lý cho trái nghịch vụ có thể thu lợi nhuận gấp đôi so với mùa thuận, bỏ xa nhiều loại cây trồng khác.

Dẫn chúng tôi tham quan vườn mãng cầu xiêm rộng 2 công của gia đình đang trĩu quả, ông Nguyễn Văn Quang, ở ấp Xẻo Vông A, xã Hiệp Lợi cho biết: “Khu vực này trước đây trồng lúa hoặc vườn tạp. Khi xã Hiệp Lợi được đầu tư các công trình thủy lợi, chúng tôi chuyển sang trồng cam sành nhưng được vài năm thì vườn cây bị bệnh. Tôi thấy thời gian qua có nhiều bà con trong xóm trồng mãng cầu xiêm cho hiệu quả kinh tế khá cao nên quyết định đốn bỏ cam để trồng loại cây này. Qua hơn 1 năm chăm sóc, vườn cây phát triển tốt và đang cho trái lứa đầu”.

Hộ anh Nguyễn Thành Giáp, ấp Xẻo Vong B là một trong những hộ trồng nhiều và làm giàu nhờ mãng cầu xiêm. Diện tích vườn mãng cầu nhà anh Giáp hiện nay là khoảng 1,8 ha. Cách đây 10 năm, hộ anh là một trong những hộ chuyển đổi từ lúa sang mãng cầu đầu tiên của ấp. Ban đầu, do chưa có kinh nghiệm trồng mãng cầu, anh chuyển đổi trồng thử nghiệm 5.000 m2. Sau 3 năm, thấy hiệu quả kinh tế đạt cao, anh mạnh dạn chuyển đổi phần diện tích lúa còn lại sang trồng mãng cầu để nâng cao hiệu quả kinh tế.

Anh Giáp cho biết, trước đây gia đình trồng lúa hiệu quả không cao, thu nhập thấp, từ đó thôi thúc anh phải tìm ra cây trồng mới để cải thiện kinh tế gia đình. Qua tìm hiểu anh được biết đến cây mãng cầu cho thu nhập khá và đầu ra ổn định, hiệu quả kinh tế cao hơn lúa nhiều lần và rất nhẹ công chăm sóc, ít sâu bệnh. Từ khi mãng cầu bắt đầu cho thu hoạch ổn định, đời sống kinh tế gia đình anh thoải mái hơn khi làm lúa. Bình quân mỗi công mãng cầu cho thu nhập không dưới 60 - 70 triệu đồng/năm, hiệu quả hơn lúa gấp 10 lần. Sau khi trừ hết chi phí, 1,8 ha của anh Giáp cho thu nhập hơn 1 tỷ đồng/năm.

Kỹ thuật trồng và chăm sóc cây vô cùng đơn giản, muốn cây trồng phát triển tốt, nhanh cao lớn thì khoảng cách giữa các cây là khoảng 3 m, mỗi công trồng được gần 100 cây. Trồng mãng cầu khâu cực và khó nhất là thụ phấn cho cây, mỗi nụ hoa phải được búng đều để có được trái tròn và đẹp. Cây mãng cầu sau khi trồng 18 tháng thì bắt đầu cho thu hoạch, đến khi cây được 3 tuổi thì cho trái ổn định. Để cây cho trái ổn định và lâu dài thì theo kinh nghiệm trồng mãng cầu của bà con ở đây là không nên cho cây mang nhiều trái ở giai đoạn từ 2 - 3 tuổi để tránh cây bị kiệt sức. Mỗi cây trung bình cho 30 trái, bình quân mỗi trái đạt 2 kg. Đến khi cây đạt 7 tuổi thì cho gần 80 trái với khối lượng bình quân là 100 kg/cây. Hiện nay, tùy theo thời điểm mà giá bán mãng cầu dao động từ 15.000 - 30.000 đồng/kg. Thị trường tiêu thụ chủ yếu là ở trong nước.

Ông Nguyễn Hữu Thành, trưởng ấp Xẻo Vong B cho biết, toàn ấp có khoảng 100 hộ trồng mãng cầu thì gia đình đều có kinh tế khá giả đều xây nhà tường ở chiếm 95% trong xã, bên cạnh đó còn giúp đời sống bà con được nâng cao và góp phần xây dựng nông thôn mới cho xã.

Ảnh minh họa.

Ông Nguyễn Văn Đèn, phó bí thư Đảng ủy xã Hiệp Lợi cho biết: “Hiện nay phong trào trồng mãng cầu phát triển mạnh ở địa phương, toàn xã có 170 hộ trồng mãng cầu, với diện tích khoảng 140 ha, tập trung ở ấp Xẻo Vong A, Xẻo Vong C và Láng Sen. Kinh tế chủ yếu của xã vẫn là nông nghiệp, trong đó cây mãng cầu, cam sành, bưởi năm roi, gà, trăn, lúa… là các loại cây trồng vật nuôi chính của xã. Riêng cây mãng cầu đóng vai trò quan trọng trong xóa đói giảm nghèo, giúp nhiều bà con vươn lên khá giả”.

Cũng theo ông Đèn, trên địa bàn hiện có 2 vựa chuyên thu mua mãng cầu xiêm nên có thể đảm nhận thu mua sản phẩm của người dân trong xã vào thời điểm thu hoạch chính vụ. Đặc biệt, xã Hiệp Lợi đang chuyển giao kỹ thuật trồng mãng cầu xiêm cho người dân, đồng thời định hướng xây dựng các tổ hợp tác sản xuất nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc xây dựng nhãn hiệu mãng cầu xiêm, góp phần nâng cao giá trị trên thị trường.