Việc cho lai tạo thành công bò có nguồn gốc từ bò lai có bố là bò tót rừng, mẹ là bò nhà đã mở ra hướng đi mới trong nâng cao chất lượng đàn bò ở 3 tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận và Lâm Đồng.

Sau khi một chú bò tót lạc đàn xuống sinh sống với bò nhà cách đây 8 năm, trong đàn bò của người dân khu vực giáp ranh 3 tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận và Lâm Đồng đã xuất hiện những chú bò lai F1.

Đặc tính của bò tót F1 là to hơn bò nhà, giống bò tót rừng tới 70%. Chúng không có u vai và yếm rốn, đầu hơi nhỏ, trán rộng và lõm, mặt hình chữ V, sừng công nhọn, bộ lông màu nâu đen, cặp mắt mang nét hoang dã. Thức ăn của chúng cũng khá đơn giản, chỉ là cỏ, một số loại lá cây và bổ sung thêm cám gạo.

Con bò tót lai 7 tuổi.
Con bò tót lai 7 tuổi.

Tuy là con lai nhưng bò tót F1 vẫn còn vô cùng hung hãn, giống bố, do vậy khi nuôi cần vô cùng chú ý để không bị tấn công.

Năm 2013, theo báo Khánh Hòa, một đề tài nghiên cứu giám định di truyền đánh giá khả năng phát triển của bò lai F1 giữa bò tót và bò nhà đã được triển khai. Dự án này nhằm giữ gìn và phát triển nguồn gen lai quý, mở ra triển vọng nâng cao chất lượng đàn bò 3 tỉnh Khánh Hòa, Lâm Đồng và Ninh Thuận.

Thực hiện đề tài trên, ban quản lý đề tài đã tiến hành mua 10 con bê lai F1 làm đối tượng nghiên cứu giám định gen di truyền; nghiên cứu khả năng sinh trưởng của đàn bò lai F1; nghiên cứu khả năng sinh sản của đàn bò cái lai F1 để tạo ra đàn bê lai F2 bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo; nghiên cứu khả năng sinh sản của bò cái nhà tạo ra đàn bê lai F2 bằng phương pháp phối giống trực tiếp với bò đực lai bò tót F1… Tháng 5/2016, đề tài đã được nghiệm thu và kết quả nghiên cứu cho thấy, tất cả bò lai này có bộ nhiễm sắc thể giống bò F1 lai giữa bò tót đực và bò cái nhà. Trong đó, đặc biệt có 1 trường hợp con lai thế hệ thứ 2 đầu tiên do bò cái F1 lai với bò đực nhà và đã được xác định chính xác bộ nhiễm sắc thể cân bằng. Điều này đặc biệt có giá trị khoa học và thực tiễn lớn, cho thấy triển vọng đề tài đúng hướng.

Thức ăn của bò tót lai là cỏ và một số loại lá cây. ẢNh: Báo Khánh Hòa
Thức ăn của bò tót lai là cỏ và một số loại lá cây. Ảnh: Báo Khánh Hòa

Ngay sau khi đề tài trên khép lại, các nhà khoa học lại bắt tay vào thực hiện đề tài cấp nhà nước với tên gọi “Khai thác và phát triển nguồn gen bò quý hiếm tại vùng rừng giáp ranh 3 tỉnh: Ninh Thuận, Lâm Đồng và Khánh Hòa”, do Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Xuân Thám làm chủ nhiệm. Yêu cầu quan trọng nhất của đề tài là trong 3 năm tới sẽ lai thành công 40 cá thể bò tót cùng dòng F2. Từ những giống bò lai ổn định nguồn gen quý hiếm trên, các đơn vị sẽ bắt đầu cho khai thác kinh doanh thịt bò thương phẩm trên diện rộng.