Thời gian qua, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh triển khai mô hình chăn nuôi heo rừng lai phát triển, nhân rộng. Mô hình này có nhiều ưu điểm về quy trình chăm sóc, giá trị sản phẩm, thị trường tiêu thụ ưa thích… mang lại hiệu quả kinh tế.

Tuy nhiên, nhiều hộ gia đình vì muốn xuất bán nhanh hay lợi nhuận mà nuôi “sai cách”, làm mất đi đặc trưng, hương vị của loại thịt heo này. Nhận thấy điều này, gia đình anh Phạm Văn Sáu ở thôn 2, xã Đắk Ha (Đắk Glong) đã quyết tâm thực hiện mô hình chăn nuôi heo rừng lai theo hướng tạo ra sản phẩm mang tính “đặc sản”, tạo uy tín trong thị trường, ngành chăn nuôi.

Heo rừng lai được nuôi trong môi trường “bán hoang dã” với nguồn thức ăn tự nhiên.

Đến Đắk Nông lập nghiệp từ năm 2012, nhưng phải đến năm 2016, sau khi tìm hiểu và “tích tụ” kinh nghiệm, gia đình anh Sáu mới mạnh dạn xây dựng trang trại chăn nuôi heo rừng lai. Trên 2 sào đất cao và thoát nước tốt của gia đình, anh xây một số chuồng với diện tích 20-30 m2/chuồng cho heo nái giống và heo con cai sữa. Diện tích còn lại anh vây lưới B40 thành các vườn nuôi tự nhiên, có móng kiên cố. Các ô nuôi “vườn” đều có sân từ 50 - 100 m2 để heo vận động thường xuyên và có nhà lán để tránh mưa.

Heo rừng lai có đặc tính ăn tạp, kháng bệnh tốt, phù hợp với điều kiện khí hậu, đất đai ở miền núi, khả năng thích nghi với môi trường cao, công chăm sóc ít… Điều quan trọng để heo cho chất lượng thịt tốt thì nguồn thức ăn phải hoàn toàn tự nhiên, chăn nuôi theo lối hoang dã, phải tạo không gian rộng cho heo hoạt động. Từ những nguồn cá thể có gien tốt, gia đình anh đã lai tạo và duy trì được nguồn giống chất lượng, bảo đảm với chu kỳ khép kín “xuất chứ không nhập”.

Để tạo ra nguồn heo “đặc sản” với quy trình, cách chăn nuôi đảm bảo, đặc biệt là trong việc cung cấp nguồn thức ăn. Heo con sau 2 tháng sẽ được tách nuôi để cai sữa mẹ. Chế độ dinh dưỡng cho heo con lúc này chủ yếu là tinh bột bắp, cám… và các loại rau được xay nhuyễn. Khoảng 1,5 tháng sau khi được tách nuôi, heo con sẽ được thả ra môi trường rộng, tự nhiên. Thức ăn lúc này hoàn toàn từ rau, củ, quả như rau và củ khoai lang, sắn, bắp, mít, cỏ voi, chuối, măng tươi… Nguồn thực phẩm này được thu mua từ “phế phẩm” nông nghiệp hoặc trồng trong vườn nhà nên chi phí thấp.

Sau 8 tháng thì thịt heo lúc này chế biến các món ăn như quay, nướng… rất ngon nên có thể xuất bán. Mỗi tháng, gia đình anh bán trên 20 con với giá bình quân heo thịt 100.000 đồng/kg; heo giống 120.000 đồng-130.000 đồng/kg.

Anh Sáu cũng chia sẻ rằng, cần phải hiểu hết về con giống, kỹ thuật làm chuồng trại, chăn nuôi, quy trình, đặc tính chăn nuôi loại heo này để có thể đạt được kết quả tốt nhất. Điều quan trọng để giữ được sản phẩm mang tính “đặc sản’’ này là lựa chọn, chủ động được con giống tốt, chuồng trại gắn với khu vườn rộng thoáng mát bảo đảm điều kiện nuôi “bán hoang dã” thả rông với nguồn thức ăn rau, củ quả tự nhiên. Chính nhờ hấp thụ những chất bổ dưỡng từ nguồn thức ăn tự nhiên nên thịt heo rừng lai của gia đình anh có chất lượng tốt, sạch, thịt chắc, nhiều nạc, ít mỡ, da không quá dày và có độ giòn, thơm ngon rất đặc trưng. Sản phẩm được người dân trong và ngoài địa phương ưa thích.

“Đây là dòng heo “đặc sản”, nên phải nuôi đúng cách để duy trì nếu không là tự hủy hoại. Mọi người mua ăn một lần phải đúng đồng tiền bỏ ra. Nhiều người mua ăn thấy ngon nên đã trở thành khách hàng quyen thuộc và giới thiệu khách hàng khác cho mình. Hiện tại, khách địa phương, khách quen, khách ở Sài Gòn cũng thường ghé mua thường xuyên nên nguồn đầu ra cũng được bảo đảm”, anh Sáu cho biết thêm.

Hiện nay, trang trại nuôi heo rừng lai của anh duy trì thường xuyên trên 200 con, trong đó có 25 con heo nái. Đàn heo luôn sinh trưởng tốt, không có dịch bệnh, tỷ lệ sống gần như 100%. Mô hình mang lại nguồn thu nhập khoảng 300 triệu đồng/năm, giúp gia đình anh có nguồn vốn đầu tư, tái sản xuất cây trồng. Đồng thời nguồn phân từ trang trại hơn 100 khối/năm mang lại giá trị lớn.