Vùng đất hoang vu dưới chân đèo Lộ Diêu thuộc xã Hoài Mỹ (huyện Hoài Nhơn, Bình Định) ngày nào giờ đã trở thành trang trại tổng hợp với đàn heo cả ngàn con, vườn chuối cấy mô hàng ngàn cây.

Vùng đất hoang vu dưới chân đèo Lộ Diêu thuộc xã Hoài Mỹ (huyện Hoài Nhơn, Bình Định) ngày nào giờ đã trở thành trang trại tổng hợp với đàn heo cả ngàn con, vườn chuối cấy mô hàng ngàn cây trồng xen với hàng trăm cây dừa xiêm, những ao nuôi tôm và những cánh rừng keo cho doanh thu 6 - 7 tỷ đồng/năm.

Điều đặc biệt, người “đánh thức” vùng đất này lại là 1 phụ nữ từng có thời khổ sở phải chạy xe ôm. Đó là chị Nguyễn Thị Thắm (56 tuổi) ở thôn Xuân Vinh, xã Hoài Mỹ.

Trồng trọt chăn nuôi tổng hợp

Đến chân đèo Lộ Diêu, lữ khách không thể không dừng lại để hít thở không khí trong lành, để nhìn ngắm vườn chuối rộng mênh mông trồng xen với những cây dừa xiêm cùng những cánh rừng keo lai vẽ nên bức tranh màu xanh đẹp mê hồn. Thấy chúng tôi đứng ngơ ngẩn ngắm nhìn,một nông dân dừng xe đạp dưới chân đèo lấy sức trước khi đưa “con ngựa sắt” vượt đèo, cởi mở bắt chuyện.

209112958
Chị Thắm bên cánh rừng trồng của mình

“Toàn bộ những cánh rừng trồng quanh đây và trang trại trồng chuối xen dừa đều là của chị Thắm ở thôn Xuân Vinh sang đây tạo lập. Phụ nữ chân yếu tay mềm đâu không thấy, nhưng chị Thắm này làm ăn "kinh hoàng", một tay gầy dựng nên trang trại nuôi cả ngàn con heo, trồng 18ha rừng, nuôi hai, ba hồ tôm và hàng ngàn cây chuối cùng với dừa xiêm. Chị ấy bỏ nhà bỏ cửa bên thôn Xuân Vinh qua đây, lên ngọn đồi kia cất nhà, bám trụ dưới chân đèo chăm sóc trang trại mấy năm nay”, ông nói.

Theo hướng chỉ tay của bác nông dân, chúng tôi vượt con dốc đường đất lên ngọn đồi có trang trại heo của chị Thắm. Trang trại 3 dãy chuồng có sức chứa đến cả ngàn con heo mà tịnh không cómột chút mùi xú uế.

Vừa rót nước trà tiếp khách, chị Thắm vừa trò chuyện: “Từ cái thời tôi còn chạy xe thồ chở mướn cá từ Lộ Diêu đi Sa Huỳnh (Quảng Ngãi), hàng ngày đi ngang qua đây tui đã mê vùng đất này. Mê nhất là nguồn nước tự nhiên không bao giờ cạn dẫn từ trên núi xuống, tắm cả ngàn con heo và tưới cả vườn chuối mấy ngàn cây thoải mái. Hồi đó mê thì mê nhưng tiền đâu mà làm, nhưng nó cứ ám ảnh miết trong trí, đến khi làm ăn dành dụm có tiền là tui ập vào làm ngay”.

409113031
2.200 cây chuối và gần 400 cây dừa xiêm trồng xen

Chị Thắm kể, quá trình vừa chạy xe ôm vừa buôn bán tạp hóa cho người dân làng chài Lộ Diêu chị dành dụm được số vốn kha khá. Năm 2001 chị vào nghề nuôi tôm. Những năm ấy nguồn nước nuôi chưa ô nhiễm, nuôi đâu trúng đó, lưng vốn đội lên ào ào. Ăn nên làm ra, chị đầu tư làm lớn luôn, nuôi đến 12 hồ. Riêng năm 2006 chị nuôi tôm thẻ chân trắng thu lãi ròng đến 100 cây vàng. Mấy năm sau tôm phát sinh dịch bệnh, nhắm không xong, chị sang bớt ao tôm để lấy vốn xây dựng trang trại dưới chân đèo Lộ Diêu.

Đầu năm 2012 chị bắt đầu xây dựng 3 dãy chuồng trên diện tích gần 1ha, có thể nuôi đến 1.000 con heo với mức đầu tư gần 1,3 tỷ đồng. Mỗi dãy chuồng đều có đặt ống ngầm dưới đất dẫn nước thải vào sâu trong núi để làm phân tưới cho rừng keo. Nhờ đó, chuồng nuôi cả ngàn con heo nhưng không bao giờ có mùi hôi. Môi trường trong lành, heo nuôi chóng lớn, những năm heo có giá chị lãi to. Năm ngoái đến nay giá heo tuột dốc, nhưng chị Thắm vẫn duy trì và chuyển sang nuôi heo siêu nạc nên vẫn có lãi.

“Tui hợp đồng với Cty Japfa tại Đồng Nai mua giống của họ, heo giống siêu nạc khá đắt, hiện có giá đến 1 triệu đồng/con nhưng sạch bệnh, nhanh tăng trọng và tiêu thụ tốt. Hiện nay giá heo tuột thấp nhưng Cty cam kết khi xuất chuồng sẽ hỗ trợ 300 ngàn đồng/con nên tui vẫn mạnh dạn nuôi”, chị Thắm nói.

Doanh thu tiền tỷ

Từ khi khởi nghiệp bằng nghề nuôi tôm đến nay công cuộc làm ăn của chị Thắm đã trải qua nhiều bước chuyển đổi. Bây giờ nhìn lại, bước chuyển nào cũng hiệu quả và kịp thời.

“Từ khi tui sang bớt 10 hồ nuôi tôm, chỉ còn giữ lại 2 hồ để thuận lợi đầu tư nuôi thâm canh. Vụ nuôi đầu năm nay lãi được 200 triệu đồng. Bây giờ nguồn nước nuôi ngày càng ô nhiễm, nuôi nhiều sinh dịch bệnh thì càng chết”, chị Thắm chia sẻ.

Năm ngoái hầu hết người nuôi heo ở Bình Định đều khốn đốn do giá heo giảm mạnh và ế ẩm, nhưng riêng đàn heo siêu nạc của chị Thắm vẫn cho lãi khá. “Năm ngoái tui nuôi 3 lứa heo, tổng cộng 1.200 con heo thịt, bình quân bán 5 triệu đồng/con, riêng tiền bán heo tui thu được 6 tỷ đồng.

Cũng năm ngoái, 8ha rừng 4 năm tuổi cho khai thác tui bán được 560 triệu đồng, diện tích còn lại năm nay cũng đã đến chu kỳ thu hoạch. Tết Đinh Dậu vừa qua chuối cũng bắt đầu cho thu hoạch, bán được 200 buồng, tiền bán chuối tui dồn đầu tư cho 370 cây dừa xiêm. Nhờ dẫn nước từ trên núi xuống tưới vào rẫy nên cả chuối lẫn dừa và tiêu đều phát triển rất tốt”, chị Thắm bộc bạch.

509112893
Nước dẫn từ trên núi xuống hồ, theo hệ thống đường ống tự động tưới cho chuối và dừa
1091128449
Cung ứng thức ăn thủy sản cho chị Thắm doanh thu 6 tỷ đồng/năm

Ở gần vùng nuôi tôm, Hoài Mỹ cũng là địa phương phát triển mạnh nghề nuôi heo nên chị Thắm “kiêm” thêm nghề cung ứng thức ăn thủy sản và thức ăn chăn nuôi cho các hộ nuôi trong vùng. Mỗi năm chị Thắm cung ứng khoảng 400 tấn thức ăn thủy sản, mỗi tấn giá 25 triệu đồng, doanh thu 10 tỷ đồng/năm và 300 tấn thức ăn chăn nuôi, mỗi tấn giá 10 triệu đồng, doanh thu thêm 3 tỷ nữa. Có thể nói, công việc của chị Thắm liền chân liền tay chẳng mấy khi có thời gian nghỉ ngơi.