Tìm kiếm các giải pháp KH&CN dự báo, phòng, chống biển xâm lấn đoạn bờ biển tỉnh Trà Vinh và vùng phụ cận thuộc nhiệm vụ KH&CN cấp thiết phát sinh ở địa phương là một trong những hướng nghiên cứu được UBND tỉnh Trà Vinh và Bộ KH&CN ưu tiên đầu tư trong thời gian qua.

Ứng phó với biến đổi khí hậu

Là tỉnh ven biển có vị trí rất quan trọng và thuận lợi để xây dựng cảng biển, giao thương hàng hải, tiềm năng phát triển kinh tế biển rất lớn, nhưng Trà Vinh lại chịu tác động trực tiếp của biến đổi khí hậu và mực nước biển dâng. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống, dân sinh trong tỉnh. Bài toán này đã được Sở KH&CN chú trọng giải quyết.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và đoàn giám sát Ủy ban Thường vụ Quốc hội tham quan gian hàng trưng bày kết quả thành tựu KH&CN tỉnh Trà Vinh ngày 7/3/2016.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và đoàn giám sát Ủy ban Thường vụ Quốc hội tham quan gian hàng trưng bày kết quả thành tựu KH&CN tỉnh Trà Vinh ngày 7/3/2016.

Theo đó, kết quả nghiên cứu các giải pháp KH&CN dự báo, phòng, chống xâm biển lấn đoạn bờ biển tỉnh Trà Vinh và vùng phụ cận - thuộc nhiệm vụ KH&CN cấp thiết phát sinh ở địa phương do Bộ KH&CN hỗ trợ đầu tư - mới đây đã được Hội đồng Khoa học cấp nhà nước nghiệm thu xếp loại xuất sắc. Hiện Sở KH&CN Trà Vinh tiếp tục triển khai 2 đề tài nghiên cứu ứng dụng công nghệ giảm sóng (công nghệ Geotube) thân thiện với môi trường.

Theo Sở KH&CN tỉnh Trà Vinh, địa phương cũng tập trung nghiên cứu, đánh giá ảnh hưởng của tình trạng mực nước biển dâng, triều cường, xâm nhập mặn đối với đời sống, sản xuất và khả năng thích nghi của cộng đồng các vùng ven biển tỉnh Trà Vinh. Từ đó, các chính sách, biện pháp thích nghi sẽ được đề xuất, làm cơ sở để chính quyền lựa chọn cách can thiệp, điều chỉnh các quy hoạch trong bối cảnh ứng phó với biến đổi khí hậu.

Đặc biệt, để đảm bảo môi trường sống, hạn chế tác động tiêu cực tới thiên nhiên, các đề tài tập trung nghiên cứu ứng dụng giải pháp xử lý chất thải từ hoạt động chăn nuôi gia súc bằng công nghệ biogas để làm chất đốt phục vụ sinh hoạt hộ gia đình; công nghệ xử lý nước sinh hoạt cho các xã nông thôn mới để cung cấp nước sạch và phục vụ nhu cầu sinh hoạt, sản xuất của người dân ở vùng có nguồn nước khó khăn; công nghệ xử lý chất thải rắn, nước thải ở các khu, cụm công nghiệp của tỉnh, các bệnh viện, trường học… góp phần đảm bảo các chỉ tiêu khi xả thải ra bên ngoài môi trường, hạn chế ô nhiễm do hoạt động sản xuất.

Tăng thu hàng trăm tỷ đồng nhờ giống mới

Theo ông Diệp Văn Sơn - Giám đốc Sở KH&CN tỉnh Trà Vinh, để đẩy mạnh tính ứng dụng của khoa học vào thực tế sản xuất, thời gian qua các đề tài của tỉnh tập trung triển khai ứng dụng các mô hình công nghệ sinh học rộng rãi, có hiệu quả, tạo bước đột phá trong sản xuất giống, cây, con.

Sở cũng phối hợp với các viện nghiên cứu, trường đại học và các ngành hữu quan tập trung vào công tác nghiên cứu, ứng dụng công nghệ sinh học trong việc nuôi cấy, chọn lọc giống. Thực tế, nhiều giống lúa chất lượng cao, có triển vọng được đưa vào sản xuất đại trà như nếp than, nanh chồn, OM 6162, OM 6976, OM 5472, OM 4900, OM 7347, OM 5451, OM 5629, OM 6377, AS 996, TV3, TV12… cho năng suất cao (trung bình từ 6-7 tấn/ha), phẩm chất gạo tốt, khả năng chống chịu sâu bệnh cao.

Theo Sở KH&CN Trà Vinh, các giống lúa này góp phần tăng sản lượng, cụ thể như sau: Năm 2014, năng suất lúa đạt 5,63 tấn/ha - tăng 1,64 tấn/ha so với năm 2000 và tăng 0,21tấn/ha so với năm 2013. Với diện tích gieo trồng lúa của tỉnh khoảng 235.878ha (2014), tổng sản lượng lúa tăng thêm so với năm 2000 là 386.839 tấn, tăng nguồn thu cho tỉnh hàng trăm tỷ đồng.

Đặc biệt, tỉnh cũng đẩy mạnh việc nghiên cứu ứng dụng công nghệ sinh học để sản xuất một số giống loài thủy sản có tiềm năng phát triển của tỉnh như nghêu, lươn, cá lóc, cá tra nhân tạo; ứng dụng công nghệ vi phẫu tuyến sinh dục để chuyển giới tính tôm càng xanh toàn đực; ứng dụng kỹ thuật cắt mắt để sản xuất giống tôm sú chất lượng cao… Những hoạt động này giúp chủ động được nguồn giống nuôi tại chỗ, cung cấp giống sạch bệnh, đạt chất lượng và giảm chi phí sản xuất, tránh rủi ro thiệt hại cho người nuôi.

Ngoài ra, nghiên cứu chọn tạo các giống dừa (dâu xanh, dâu vàng, dừa sáp), các giống cây ăn trái đặc sản có giá trị kinh tế như quýt đường, thanh long ruột đỏ, cam không hạt… cũng được nghiên cứu đưa vào ứng dụng, phục vụ sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế, đạt giá trị tăng thêm trên cùng đơn vị diện tích.

Qua 25 năm đổi mới, đặc biệt kể từ khi có Nghị quyết Hội nghị Trung ương II (khóa VIII) định hướng chiến lược phát triển KH&CN đến năm 2020, Nghị quyết Hội nghị Trung ương VI (khóa IX) “Về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương II khóa VIII, phương hướng phát triển giáo dục - đào tạo, KH&CN từ nay đến năm 2005 và đến năm 2010” có nghị quyết và kết luận riêng về KH&CN, chỉ thị 63-CT/TW ngày 28/2/2001 của Bộ Chính trị về “đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng KH&CN phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn”, KH&CN đã thực sự góp phần tạo sự thay đổi lớn trong phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh Trà Vinh.