Vừa qua, tai Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN Trà Vinh tổ chức báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ “Nghiên cứu khảo nghiệm giống và thực hiện quy trình kỹ thuật trồng măng tây thương phẩm theo hướng hữu cơ tại tỉnh Trà Vinh” do KS Huỳnh Diễm Sương làm chủ nhiệm.

Qua thời gian triển khai thực hiện nhiệm vụ đã xây dựng 1 vườn ươm giống măng tây tại Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN với diện tích 200m2. Đã tạo ra 10.000 cây giống măng tây đạt tiêu chuẩn xuất vườn với chiều cao đạt từ 25-30 cm, tỷ lệ cây giống ươm đạt 90%. Nhiệm vụ đã chọn và cung cấp giống cho 2 hộ dân trồng khảo nghiệm tại huyện Cầu kè và Châu Thành với diện tích 600 m2. Ngoài ra, trong quá trình khảo sát thực tế các địa phương để chọn họ tham gia thực hiện mô hình trồng măng tây đã phát sinh thêm một số hộ dân ở huyện Duyên Hải và Cầu Ngang có nhu cầu trồng cây măng tây. Do đó trong năm 2019 Trung tâm tiếp tục khảo sát và chọn hộ dân để mở rộng triển khai mô hình trồng măng tây thương phẩm tại hai huyện Cầu Ngang và Duyên Hải.

Tại hội thảo các đại biểu thảo luận một số vấn đề về quy trình kỹ thuật trồng cây măng tây, hiệu quả của mô hình, mở rộng diện tích trồng khảo nghiệm vùng có đất giồng cát ở thành phố Trà Vinh, đầu ra của sản phẩm, ….

Qua thời gian trồng khảo nghiệm cây măng tây phát triển rất tốt, hiện nay bà con được công ty thu mua với giá 50.000 đ/kg sản phẩm. Có thể nói măng tây bước đầu đã mở ra hướng đi mới trong cơ cấu chuyển đổi giống cây trồng, cho hiệu quả kinh tế, thân thiện môi trường; tuy vậy, việc tổ chức sản xuất măng tây phải gắn với nông hộ có sự đầu tư, có tiềm lực vốn nhất định. Măng tây là cây trồng lâu năm, nên việc thâm canh phải hợp lý, không khai thác rộ và thiếu cân đối dẫn đến cây suy kiệt, năng suất giảm; bên cạnh đó hướng đến các biện pháp trồng thân thiện với môi trường, cho ra sản phẩm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, gắn với việc thu mua, bao tiêu từ doanh nghiệp sẽ cho hiệu quả cao nhất.

Đối với tỉnh Trà Vinh diện tích trồng cây măng tây còn khá nhỏ hẹp chủ yếu tại huyện Duyên Hải và Cầu Ngang nhưng với diện tích đất giồng cát hiện hữu khoảng 14.000 ha ở các huyện trong tỉnh sẽ là tiềm năng rất lớn cho việc phát triển cây măng tây góp phần tăng lợi nhuận và phát triển kinh tế cho các hộ dân trong tỉnh.