Một trong những mục tiêu cần đạt được của TPHCM đến năm 2020 là đạt mức tiết kiệm năng lượng trung bình hằng năm từ 2% - 2,5% mức tiêu thụ năng lượng, tương đương với mức giảm khí thải nhà kính 220.000 – 250.000 tấn CO2 mỗi năm để bảo vệ môi trường.

Mục tiêu này được bà Lương Xuân Nhung – Phó trưởng phòng Quản lý năng lượng, Sở Công thương TP Hồ Chí Minh đưa ra tại hội nghị Tổng kết hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu trên địa bàn TP Hồ Chí Minh giai đoạn 2009-2015 diễn ra sáng 30/8.

TP Hồ Chí Minh nằm trong danh sách 10 thành phố của thế giới và 5 thành phố của châu Á sẽ bị tác động nặng nề bởi biến đổi khí hậu – mực nước biển dâng. Theo ông Hà Minh Châu - Phó chánh văn phòng Biến đổi khí hậu TP HCM, từ năm 2009-2011, thành phố đã hoàn thành đề tài nghiên cứu “Xây dựng mô hình tính toán một số thông số dưới tác động của biến đổi khí hậu phục vụ quy hoạch sử dụng đất, giao thông, tài nguyên nước và hạ tầng cơ sở cho TP HCM”.

Theo “Kịch bản biến đổi khí hậu về nhiệt độ, lượng mưa, mực nước biển dâng" các nhà khoa học đã tính toán để dự báo những tác động tiềm tàng do biến đổi khí hậu đến các lĩnh vực quan trọng dễ bị tổn thương của TP HCM như ngập lụt, quy hoạch sử dụng đất, tài nguyên nước, hạ tầng cơ sở về giao thông và cấp thoát nước”- ông Châu nói.

Đặc biệt, lãnh đạo TP HCM cũng đã hợp tác cùng TP Osaka (Nhật Bản) khởi động Chương trình phát triển thành phố phát thải carbon thấp để cùng nhau chia sẻ hiện trạng và hợp tác cùng xây dựng thành phố ít phát thải khí nhà kính nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu.

Các giải pháp để đạt được mục tiêu này được lãnh đạo 2 thành phố đề ra trong giai đoạn 2016-2020 là xúc tiến xây dựng khí sinh học tái sinh năng lượng từ chất thải hữu cơ công nghiệp, xử lý chất thải rắn đô thị kết hợp tái sinh năng lượng hay mô hình dự báo phát thải khí nhà kính với sự hợp tác của Nhóm Mô hình tích hợp Châu Á Thái Bình Dương.

Triều cường gây ngập tại đường Lương Đình Của (quận 2), người dân Sài Gòn phải khổ sở đi qua vùng nước ngập để đến chỗ làm. Ảnh: Dương Thanh (Khám Phá).

Theo bà Nhung, hiện TP Hồ Chí Minh cũng đang thực hiện đề án “Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trên địa bàn TP HCM giai đoạn 2009-2015 và kế hoạch sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả giai đoạn 2016-2020. Theo đó, mục tiêu mà TP HCM hướng tới là ứng dụng rộng rãi thiết bị có hiệu suất cao, công nghệ tiên tiến, tiết kiệm năng lượng, phấn đấu giảm tiêu hao năng lượng ít nhất 10% đối với nhóm ngành sử dụng nhiều năng lượng.

TP HCM cũng phấn đấu đạt mức tiết kiệm năng lượng trung bình hằng năm từ 2%-2,5% mức tiêu thụ năng lượng, tươn đương với mức giảm khí phát thải nhà kính 220.000 – 250.000 tấn CO2 mỗi năm.