Thông qua các mô hình thực tế cùng với việc thông tin, truyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, các kỹ thuật tiến bộ, các mô hình tốt từ Chương trình Nông thôn - Miền núi đã được nhân rộng ra thực tế.

Đây là chia sẻ kinh nghiệm của ông Nguyễn Đức Kiên – Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tỉnh Bắc Giang từ thực tế triển khai các dự án thuộc Chương trình Nông thôn - Miền núi tại Bắc Giang.

Theo ông Kiên, trên thực tế, bà con nông dân, nhất là ở những vùng miền núi, còn gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận các tiến bộ KH&CN. Do đó, dù có rất nhiều tiến bộ KH&CN được nghiên cứu thành công trên tất cả các lĩnh vực sản xuất, việc chuyển giao ứng dụng cho người dân vào sản xuất và đời sống cũng chưa nhiều.

Mô hình trồng cam Yên Thế Bắc Giang
Mô hình trồng cam Yên Thế, Bắc Giang.

Chỉ ra nguyên nhân của tình trạng này, ông Kiên cho rằng, một mặt, tập quán canh tác truyền thống khiến người dân có tâm lý ngại thay đổi. Mặt khác, để họ tiếp nhận quy trình sản xuất mới thì phải có trình độ nhất định; ngoài ra còn cần nguồn kinh phí và hệ thống công cụ truyền tải các tiến bộ kỹ thuật đến với người dân.

"Cả ba yếu tố này còn gặp nhiều khó khăn, nhất là đối với bà con ở nông thôn, miền núi" - ông Kiên nói và cho biết, trong thời gian qua, Sở KH&CN Bắc Giang cùng với các sở, ngành khác và chính quyền địa phương đã tăng cường tuyên truyền tiến bộ KH&CN thông qua trang thông tin điện tử, trang KH&CN phục vụ nông thôn miền núi. Sở cũng tổ chức nhiều lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ đến người dân.

Một điểm được ông Kiên đặc biệt nhấn mạnh là đối với người dân nông thôn, miền núi, cách phổ biến hiệu quả nhất là thông qua các mô hình, đề tài dự án KH&CN. Thực tế thời gian qua, bằng cách này, nhiều tiến bộ KH&CN trong các lĩnh vực sản xuất nông nghiệp (giống cây trồng, vật nuôi) đã được chuyển giao cho người dân trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, góp phần nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm.