Thanh Hóa có 3 tiểu vùng sinh thái chính là trung du miền núi, đồng bằng và vùng ven biển. Vùng ven biển bao gồm các huyện Nga Sơn, Hậu Lộc, Hoằng Hóa, Quảng Xương, Tĩnh Gia và thành phố Sầm Sơn.

Vùng ven biển có diện tích đất tự nhiên 99.882 ha, đất nông nghiệp 53.068 ha, chiếm 53,1% diện tích đất tự nhiên. Đất đai vùng ven biển có thành phần cơ giới nhẹ, dễ canh tác, có thể canh tác nhiều mùa vụ trong năm và thích hợp để phát triển các cây màu hàng hóa. Tuy nhiên sản xuất nông nghiệp ở đây thường gặp nhiều rủi ro do thiên tai, độ phì của đất thấp, xâm nhập mặn làm ảnh hưởng đến năng suất và sản lượng cây trồng.

Ảnh minh họa.

Để góp phần khai thác tiềm năng đất đai vùng ven biển cần chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng hợp lý mang tính hiệu quả, ổn định, UBND tỉnh Thanh Hóa đã giao cho Công ty Cổ phần khoa học nông nghiệp Miền Bắc triển khai thực hiện Đề tài “Nghiên cứu xác định hệ thống cây trồng nông nghiệp phù hợp với vùng đất ven biển tỉnh Thanh Hoá”. Vừa qua, Sở KH&CN Thanh Hóa đã tổ chức Hội đồng Khoa học chuyên ngành nghiệm thu đề tài. Qua quá trình triển khai thực hiện tác giả và nhóm nghiên cứu đã xác định được 2 hệ thống cây trồng nông nghiệp phù hợp cho vùng đất ven biển tỉnh Thanh Hóa. Trên chân đất chuyên 2 vụ lúa và tăng thêm vụ đậu tương đông với cơ cấu: Vụ Xuân (Lúa Thái Xuyên 111) - Vụ mùa (Lúa HT9) - Vụ đông (Đậu tương NAS-S1); Trên chân đất chuyên màu bố trí cơ cấu: Vụ Xuân (Lạc L26) - Vụ mùa (Đậu xanh ĐX208) - Vụ đông (Lạc giống L26).

Hai hệ thống cây trồng nông nghiệp trên cho hiệu quả kinh tế cao hơn 15-20% so với tập quán sản xuất cũ của nông dân đang làm. Với kết quả trên, Hội đồng khoa học chuyên ngành đã nghiệm thu đánh giá kết quả đề tài và xếp loại Đạt. Hội đồng cũng thống nhất đề nghị nhân rộng kết quả nghiên cứu đề tài cho các huyện vùng ven biển của tỉnh Thanh Hóa.