Ông Phạm Quang An - Giám đốc Sở KH&CN Sơn La - vừa đề nghị UBND huyện Thuận Châu chuẩn bị các điều kiện để thực hiện xây dựng thương hiệu cho 2 sản phẩm đã đề xuất trong năm 2017-2018 là chè shan và khoai sọ - được xác định là chủ lực của địa phương.

Các sản phẩm nông nghiệp Sơn La trưng bày tại hội nghị giao ban vùng Tây Bắc 2016 - tổ chức tại Hòa Bình. Ảnh: Loan Lê

Trong việc phát huy các sản phẩm thế mạnh, huyện Thuận Châu cũng rất quan tâm đến chương trình phát triển cây sơn tra. Đến nay, tổng diện tích trồng sơn tra của huyện đã đạt trên 3.700ha, trong đó 500ha đã cho quả, năng suất bình quân 4 tấn/ha, tổng sản lượng quả năm 2016 khoảng 2.000 tấn. Trước thực tế đó, ông Phạm Quang An cũng yêu cầu UBND huyện Thuận Châu phối hợp với các địa phương trong tỉnh xây dựng thương hiệu cho quả sơn tra Sơn La.

Thời gian qua, Sơn La được đánh giá là địa phương có hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ tới cấp huyện rất sôi động. Nhiều mô hình sản xuất, kinh doanh ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học đang cho hiệu quả cao.

Điển hình là mô hình trồng rau an toàn; ghép cải tạo vườn cây ăn quả bằng giống chất lượng cao; tiếp nhận chuyển giao và đưa các giống bò cao sản như bò lai zeebu vào chăn nuôi; phát triển nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện; sử dụng bể khí bioga, đệm lót sinh học vào chăn nuôi lợn, chăn nuôi gia cầm theo hướng tập trung... Trong các mô hình này, nhờ ứng dụng khoa học, kỹ thuật nên năng suất, chất lượng cây trồng, con vật nuôi đều tăng cao.