Mới đây, Sở KH&CN tỉnh Sóc Trăng đã tổ chức họp Hội đồng KH&CN đánh giá nghiệm thu kết quả thực hiện đề tài “Xác định mầm bệnh gây thối củ hành tím tại tỉnh Sóc Trăng và tuyển chọn biện pháp sinh học để phòng trị bệnh”.

Đề tài do Trường Đại học Cần Thơ chủ trì thực hiện, Chủ nhiệm đề tài là TS Nguyễn Đắc Khoa. Hội đồng đánh giá kết quả đề tài đạt loại Xuất sắc.

Hành tím là sản phẩm đặc trưng của thị xã Vĩnh Châu nói riêng, tỉnh Sóc Trăng chung và mang lại hiệu quả kinh tế cho nông dân, diện tích sản xuất củ hành tím năm 2017 là 6.600 ha. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây tình hình thối củ đã làm giảm năng suất của củ hành tím, ảnh hưởng đến thu nhập của người dân trồng hành tím.

Từ nguồn kinh phí sự nghiệp KH&CN của tỉnh, năm 2015, Trường Đại học Cần Thơ đã triển khai thực hiện đề tài “Xác định mầm bệnh gây thối củ hành tím tại tỉnh Sóc Trăng và tuyển chọn biện pháp sinh học để phòng trị bệnh” nhằm xác định được mầm bệnh gây thối củ hành tím tại thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng; Xác định biện pháp sinh học để phòng trị bệnh gây thối củ hành tím; đánh giá khả năng phòng trị bệnh gây thối củ hành tím của chủng vi khuẩn đối kháng hoặc dịch trích thực vật; tuyển chọn được ít nhất một chủng vi khuẩn đối kháng hoặc một loại dịch trích thực vật để sử dụng trên hành tím thương phẩm.

Qua hơn ba năm triển khai, nhóm thực hiện đề tài đã thực hiện được các nội dung công việc:

- Thu thập được 124 mẫu củ hành bệnh và xác định được 5 tác nhân gây bệnh là vi khuẩn Erwinia carotovora gây bệnh thối ướt, vi khuẩn Pseudomonas aeruginosa gây bệnh thối nhũn, nấm Aspergillus niger gây bệnh thối đen, nấm Colletotrichum gloeosporioides gây bệnh đốm đen (thán thư) và nấm Fusarium oxysporum gây bệnh thối đế củ là mầm bệnh phố biến nhất.

- Xây dựng được 2 quy trình chủng bệnh (nấm và vi khuẩn) gây thối củ hành tím, 2 quy trình chủng bệnh (nấm và vi khuẩn) gây thối củ hành tím trong điều kiện tồn trữ.

- Xác định được 19/224 chủng vi khuẩn phân lập trong đất có khả năng đối kháng với nấm Fusarium oxysporum trên đĩa thạch. Trong đó, ba chủng ATA 33, ATB 24 và ATB 32 đối kháng mạnh nhất. Chủng vi khuẩn ATB 24 (108 CFU/ml) co hiệu quả giảm bệnh tốt nhất trong điều kiện tồn trữ và trong điều kiện nhà lưới. Bằng cách kết hợp phương pháp giải trình tự gen 16S rRNA và phân loại vi khuẩn theo hệ thống phân loại Bergey’s, chủng ATB 24 được định danh là xạ khuẩn Streptomyces albaduncus.

- Quy trình nhân mật số bào tử xạ khuẩn Streptomyces albaduncus tạo được 4,8x109 bào tử/g sau 4 ngày nuôi cấy. Ba loại chất mang là cám, bột talc và than bùn duy trì được sự sống của xạ khuẩn đến tháng thứ 9 và chất mang là cám được chọn để thực hiện các nghiên cứu tạo chế phẩm tiếp theo.

- Xác định được dịch trích của 2 loại thực vật có khả năng đối kháng với nấm Fusarium oxysporum trên đĩa thạch là bình bát nước 4% và sài đất 4%.

- Xạ khuẩn Streptomyces albaduncus và dịch trích cây sài đất có hiệu quả làm giảm bệnh thối mềm tự phát trong điều kiện ngoài đồng và có hiệu quả làm giảm bệnh thối củ hành tím trong điều kiện tồn trữ ở cả thí nghiệm diện rộng và thí nghiệm diện hẹp.

Kết quả thực hiện đề tài là cơ sở để nghiên cứu sản xuất chế phẩm sinh học phòng trị bệnh thối củ hành tím, góp phần mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân trồng củ hành tím, đồng thời góp phần bảo vệ môi trường.