Sở Khoa học và Công nghệ thông báo việc tuyển chọn tổ chức, cá nhân chủ trì thực hiện đề tài, dự án khoa học và công nghệ cấp tỉnh năm 2019.

Căn cứ Quyết định số 25/2018/QĐ-UBND ngày 12/9/2018 của UBND tỉnh Quảng Ngãi ban hành Quy định quản lý nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp tỉnh và cấp cơ sở sử dụng ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi;

Căn cứ Quyết định số 1596/QĐ-UBND ngày 01/9/2016 của Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi về việc phê duyệt Chương trình Hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nông thôn, miền núi tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2016-2020;

Triển khai Quyết định số 1974/QĐ-UBND ngày 02/11/2018 của Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi về việc phê duyệt danh mục đề tài, dự án khoa học và công nghệ triển khai thực hiện năm 2019, Sở Khoa học và Công nghệ thông báo việc tuyển chọn tổ chức, cá nhân chủ trì thực hiện đề tài, dự án khoa học và công nghệ cấp tỉnh năm 2019, cụ thể như sau:

I/ Tuyển chọn tổ chức, cá nhân chủ trì thực hiện đề tài, dự án khoa học công nghệ cấp tỉnh sau đây:

1. Tên đề tài: Điều tra, đánh giá thực trạng và đề xuất giải pháp can thiệp cộng đồng phòng chống bệnh trầm cảm ở người cao tuổi tại thành phố Quảng Ngãi.

* Định hướng mục tiêu:

- Điều tra, khảo sát, đánh giá thực trạng bệnh trầm cảm ở người cao tuổi trên địa bàn TP. Quảng Ngãi.

- Đề xuất các giải pháp can thiệp cộng đồng phòng chống bệnh trầm cảm ở người cao tuổi.

- Xây dựng và thực hiện mô hình can thiệp cộng đồng phòng chống bệnh trầm cảm ở người cao tuổi theo phương thức xã hội hóa (Thành lập Trung tâm và các Tổ dịch vụ, tư vấn với các loại hình dịch vụ y tế cụ thể để chăm sóc sức khỏe và điều trị bệnh trầm cảm cho người cao tuổi).

*Yêu cầu đối với sản phẩm chính:

(1) Kết quả Phiếu điều tra xã hội học và Báo cáo phân tích, xử lý số liệu điều tra xã hội học (sử dụng phần mềm thống kê Epidata, SPSS16.0; Endnote;…).

(2) Báo cáo đánh giá thực trạng và nguyên nhân bệnh trầm cảm ở người cao tuổi trên địa bàn thành phố Quảng Ngãi.

(3) Các giải pháp can thiệp cộng đồng nhằm giảm số lượng trầm cảm ở người cao tuổi trên địa bàn thành phố Quảng Ngãi trong thời gian đến.

(4) Mô hình can thiệp cộng đồng phòng chống bệnh trầm cảm ở người cao tuổi: Trung tâm, Tổ dịch vụ, tư vấn thực hiện dịch vụ chăm sóc sức khỏe và điều trị bệnh trầm cảm cho người cao tuổi tại thành phố Quảng Ngãi.

(5) Bản kiến nghị cấp ủy, chính quyền.

(6) 02 Bài báo khoa học được công bố.

(7) Báo cáo tổng hợp kết quả nhiệm vụ.

* Thời gian thực hiện: 24 tháng.

2. Tên đề tài: Thực nghiệm mô hình liên kết trồng, chế biến, tiêu thụ cây ba kích dưới tán rừng trên địa bàn huyện Sơn Tây, tỉnh Quảng Ngãi.

*Định hướng mục tiêu:

Xây dựng mô hình trồng thực nghiệm cây ba kích dưới tán rừng để làm cơ sở cho việc phát triển sản xuất hàng hóa dược liệu, phục vụ phát triển kinh tế cho người đồng bào ở huyện Sơn Tây, tỉnh Quảng Ngãi.

*Yêu cầu đối với sản phẩm chính:

(1) Mô hình trồng thực nghiệm cây ba kích với quy mô 04 ha trên địa bàn 02 xã của huyện Sơn Tây.

(2) Có từ 02 sản phẩm mới trở lên được chế biến từ cây ba kích trồng ở mô hình thử nghiệm (sản phẩm được đóng gói, nhãn hiệu, sản lượng cụ thể trình bày ở hồ sơ Thuyết minh).

(3) Báo cáo đánh giá tính thích nghi, quá trình sinh trưởng, phát triển, năng suất và chất lượng sản phẩm của cây ba kích trồng dưới tán rừng ở huyện Sơn Tây, tỉnh Quảng Ngãi.

(4) Xây dựng hướng dẫn kỹ thuật ươm giống, trồng, chăm sóc, thu hoạch, chế biến và bảo quản sản phẩm chế biến từ cây ba kích.

(5) Đào tạo 10 KTV và tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch, chế biến cho 100 nông dân.

(6) 03 Bài báo khoa học được công bố.

(7) Phim tư liệu.

(8) Báo cáo tổng hợp kết quả thực hiện đề tài.

* Thời gian thực hiện: 36 tháng.

3. Tên Dự án: Xây dựng mô hình liên kết trồng, chế biến và tiêu thụ nghệ dưới tán rừng keo mới trồng trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi.

* Định hướng mục tiêu:

Tạo ra sản phẩm hàng hóa dưới tán rừng keo mới trồng nhằm giải quyết việc làm, tăng thu nhập trên 01 đơn vị diện tích rừng trồng keo cho hộ tham gia sản xuất lâm nghiệp, góp phần hạn chế giảm thiểu xói mòn và suy thoái môi trường đất rừng sản xuất.

Cụ thể:

(1) Xây dựng mô hình trồng nghệ dưới tán rừng keo mới trồng với quy mô 10 ha, với năng suất 10 tấn củ tươi/ha/ năm.

(2) Thực hiện chuỗi liên kết kết trồng, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nghệ.

* Yêu cầu đối với sản phẩm chính:

(1) Sản xuất 100 tấn củ nghệ tươi/năm từ mô hình.

(2) Xây dựng hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch, chế biến và bảo quản sản phẩm nghệ.

(3) Sản phẩm mới chế biến từ nghệ: từ 02 sản phẩm trở lên (được đóng gói, nhãn hiệu và sản lượng giới thiệu tiêu thụ trên thị trường cụ thể sẽ trình bày trong hồ sơ Thuyết minh).

(4) Tổ chức đào tạo 10 KTV và tập huấn 200 hộ nông dân thực hiện mô hình.

(5) Phim tư liệu.

(6) 02 Bài báo khoa học được công bố.

(7) Báo cáo tổng hợp kết quả nhiệm vụ.

* Thời gian thực hiện: 36 tháng.

4. Tên Đề tài: Điều tra, đánh giá nguồn lợi và đề xuất giải pháp bảo vệ, phát triển và khai thác bền vững Nhum sọ ở tỉnh Quảng Ngãi (ưu tiên tại huyện Lý Sơn)

* Định hướng mục tiêu:

Điều tra, đánh giá nguồn lợi, vị trí phân bố, đặc điểm sinh trưởng phát triển và hiện trạng khai thác loài Nhum sọ. Đề xuất giải pháp bảo vệ, phát triển và khai thác bền vững nhằm bảo vệ nguồn lợi và đa dạng hóa đối tượng nuôi trồng thủy sản, nâng cao thu nhập cho người dân vùng biển ở tỉnh Quảng Ngãi.

Cụ thể:

(1) Điều tra, đánh giá nguồn lợi, đặc điểm sinh trưởng phát triển và hiện trạng khai thác Nhum sọ tại tỉnh Quảng Ngãi.

(2) Quy hoạch vùng bảo vệ Nhum sọ tại tỉnh Quảng Ngãi.

(3) Xây dựng mô hình nuôi Nhum sọ và Hướng dẫn kỹ thuật nuôi Nhum sọ tại vùng biển tỉnh Quảng Ngãi.

(4) Đề xuất giải pháp bảo vệ, phát triển và khai thác bền vững Nhum sọ tại vùng biển tỉnh Quảng Ngãi.

* Yêu cầu đối với sản phẩm chính:

(1) Báo cáo khoa học về vị trí phân bố, đặc điểm sinh trưởng, phát triển Nhum sọ tại vùng biển tỉnh Quảng Ngãi.

(2) Báo cáo đánh giá nguồn lợi, hiện trạng khai thác Nhum sọ tại tỉnh Quảng Ngãi.

(3) Bản đồ phân bố loài và quy hoạch vùng bảo vệ, phát triển Nhum sọ tại tỉnh Quảng Ngãi.

(4) Xây dựng mô hình nuôi Nhum sọ tại vùng biển tỉnh Quảng Ngãi (thời gian, diện tích, số lượng, sản lượng của mô hình sẽ được trình bày cụ thể trong hồ sơ Thuyết minh).

(5) Hướng dẫn kỹ thuật nuôi Nhum tại vùng biển tỉnh Quảng Ngãi.

(6) Tổ chức đào tạo, tập huấn hướng dẫn kỹ thuật nuôi trồng Nhum sọ cho 180 hộ dân.

(7) Bản kiến nghị cấp ủy, chính quyền địa phương về các giải pháp bảo vệ, phát triển và khai thác bền vững Nhum sọ tại các vùng biển tỉnh Quảng Ngãi.

(8) Phim tư liệu.

(9) 01 Bài báo khoa học được công bố.

(10) Báo cáo tổng hợp kết quả thực hiện nhiệm vụ.

* Thời gian thực hiện: 30 tháng.

5. Tên Đề tài: Nghiên cứu sinh sản nhân tạo và nuôi thử nghiệm thương phẩm cá bống cát sông Trà (Glossogobius sparsipapillus) tỉnh Quảng Ngãi.

* Định hướng mục tiêu:

Chủ động tạo ra nguồn con giống và phát triển nguồn lợi cá bống cát sông Trà tỉnh Quảng Ngãi.

Cụ thể:

(1) Nghiên cứu sinh sản nhân tạo cá bống cát sông Trà.

(2) Nuôi thử nghiệm thương phẩm cá bống cát sông Trà tỉnh Quảng Ngãi.

(3) Duy trì, phát triển thương hiệu cá bống Sông Trà và tạo sinh kế cho người dân.

* Yêu cầu đối với sản phẩm chính:

(1) Giống cá bống sông Trà kích cỡ 2-3 cm/con, bảo đảm chất lượng, sạch bệnh (số lượng cụ thể được trình bày trong hồ sơ Thuyết minh).

(2) Cá bống cát thương phẩm (số lượng cụ thể được trình bày trong hồ sơ Thuyết minh).

(3) Mô hình sinh sản nhân tạo và các mô hình nuôi thử nghiệm thương phẩm cá bống cát Sông Trà (số lượng, sản lượng cụ thể được trình bày trong hồ sơ Thuyết minh).

(4) Hướng dẫn kỹ thuật sinh sản nhân tạo và nuôi thương phẩm cá bống cát sông Trà Khúc.

(5) Đào tạo 10 KTV cơ sở và tập huấn kỹ thuật nuôi thương phẩm cá bống cát sông Trà cho 150 hộ nông dân.

(6) Phim tư liệu.

(7) 02 Bài báo khoa học được công bố.

(8) Báo cáo tổng hợp kết quả thực hiện nhiệm vụ.

* Thời gian thực hiện: 24 tháng.

II/ Thủ tục và thời gian tuyển chọn:

1. Hồ sơ đăng ký tham gia tuyển chọn gồm những văn bản, tài liệu dưới đây:

(1) Bản sao giấy chứng nhận đăng ký hoạt động khoa học và công nghệ (nếu có);

(2) Đơn đăng ký chủ trì thực hiện Đề tài, Dự án, đề án vận dụng theo Error! Hyperlink reference not valid. ban hành kèm theo Thông tư số 08/2017/TT-BKHCN;

(3) Thuyết minh đề tài, dự án, đề án:

- Thuyết minh đề tài khoa học công nghệ vận dụng theo Biểu B1-2a-TMĐTCN ban hành kèm theo Thông tư số 08/2017/TT-BKHCN;

- Thuyết minh đề tài khoa học xã hội nhân văn vận dụng theo Biểu B1-2b-TMĐTXH ban hành kèm theo Thông tư số 08/2017/TT-BKHCN;

- Thuyết minh dự án thuộc Chương trình hỗ trợ ứng dụng chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội nông thôn, miền núi tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2016-2020 vận dụng theo Biểu B1.1-TMDA ban hành kèm theo Thông tư số 07/2016/TT-BKHCN) .

(4) Tóm tắt hoạt động khoa học và công nghệ của tổ chức đăng ký chủ trì nhiệm vụ khoa học và công nghệ và gửi kèm theo kết quả đánh giá hoạt động hàng năm của tổ chức khoa học và công nghệ (nếu có) vận dụng theo biểu B1-3-LLTC ban hành kèm theo Thông tư số 08/2017/TT-BKHCN;

(5) Lý lịch khoa học của cá nhân đăng ký chủ nhiệm và các cá nhân đăng ký tham gia chính đề tài/dự án/đề án vận dụng theo Biểu B1-4-LLCN ban hành kèm theo Thông tư số 08/2017/TT-BKHCN;

(6) Lý lịch khoa học của chuyên gia trong nước, chuyên gia nước ngoài vận dụng theo Biểu B1-4-LLCN ban hành kèm theo Thông tư số 08/2017/TT-BKHCN, trong đó có kê khai mức lương chuyên gia (trường hợp nhiệm vụ KH&CN có nội dung thuê chuyên gia);

(7) Văn bản xác nhận (nếu có) về sự đồng ý của các tổ chức tham gia phối hợp thực hiện nhiệm vụ vận dụng theo Biểu B1-5-PHNC ban hành kèm theo Thông tư số 08/2017/TT-BKHCN;

(8) Báo giá thiết bị, nguyên vật liệu chính cần mua sắm, dịch vụ cần thuê để thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ (thời gian báo giá không qúa 30 ngày tính đến thời điểm nộp hồ sơ).

(9) Báo cáo tài chính của 02 đến 03 năm gần nhất của tổ chức chủ trì đã nộp các cơ quan quản lý theo quy định;

(10) Tài liệu liên quan khác:

- Văn bản chứng minh năng lực về nhân lực khoa học công nghệ, trang thiết bị của đơn vị phối hợp và khả năng huy động vốn từ nguồn ngoài ngân sách nhà nước để thực hiện đề tài, dự án (nếu có đơn vị phối hợp, huy động vốn từ nguồn khác);

Mỗi văn bản trong bộ hồ sơ phải có dấu của tổ chức và chữ ký của cá nhân tương ứng như đã quy định trên từng biểu mẫu.

Các biểu mẫu hướng dẫn chi tiết xem mục “Biểu mẫu đăng ký đề tài, dự án khoa học và công nghệ” trên Website của Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Quảng Ngãi tại địa chỉ: http://www.quangngai.gov.vn/vi/sokhcn

2. Căn cứ xây dựng dự toán đề tài, dự án: Quyết định số 52/2016/QĐ-UBND ngày 20/9/2016 của UBND tỉnh Quảng Ngãi ban hành Quy định định mức xây dựng và phân bổ dự toán kinh phí đối với đề tài, dự án khoa học và công nghệ cấp tỉnh có sử dụng ngân sách nhà nước; Quy định chế độ công tác phí hiện hành của tỉnh Quảng Ngãi. Các định mức chi, lập dự toán khác của đề tài, dự án khoa học và công nghệ không có tại quy định này thực hiện theo quy định hiện hành của nhà nước.

3. Thời gian và địa điểm nhận hồ sơ:

- Thời gian: Chậm nhất vào 17 giờ 00 phút ngày 10/12/2018.

- Nơi nhận hồ sơ: Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Quảng Ngãi (Số 202A, Đường Trường Chinh, phường Chánh Lộ, thành phố Quảng Ngãi). Nộp trực tiếp tại văn thư Sở Khoa học và Công nghệ hoặc gửi qua đường bưu điện (tính theo dấu bưu điện nơi đến). Hồ sơ trình bày và in trên khổ giấy A4, sử dụng phông chữ tiếng Việt của bộ mã ký tự Unicode theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN 6909:2001, cỡ chữ 14, Số lượng: 15 bản (01 bản chính và 14 bản sao) và 01 bản điện tử của hồ sơ (dạng PDF, không đặt mật khẩu). Toàn bộ hồ sơ được đóng gói, có niêm phong và bên ngoài ghi rõ:

a) Tên nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp tỉnh;

b) Tên, địa chỉ của tổ chức đăng ký chủ trì, tên chủ nhiệm nhiệm vụ;

c) Danh mục tài liệu có trong hồ sơ.

4. Địa chỉ liên hệ:

Phòng Quản lý Khoa học, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Quảng Ngãi (Điện thoại số 0255.8556005).