Trả lời để nghị của Sở KH&CN Thanh Hóa về việc sửa Luật Chuyển giao công nghệ theo hướng bắt buộc đăng ký các hợp đồng chuyển giao công nghệ, Bộ KH&CN cho biết đã đề xuất 2 phương án quản lý loại hợp đồng này.

Ảnh minh họa.

Trả lời Sở KH&CN Thanh Hóa về việc đề nghị Bộ KH&CN đề nghị Chính phủ trình Quốc hội sửa đổi Luật Chuyển giao công nghệ theo hướng các hợp đồng chuyển giao công nghệ bắt buộc phải đăng ký tại cơ quan nhà nước quản lý về KH&CN.

Sau khi được Chính phủ giao xây dựng dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chuyển giao công nghệ, Bộ KH&CN đã nghiên cứu và kiến nghị sửa đổi quy định về quản lý hợp đồng chuyển giao công nghệ theo hướng bắt buộc đăng ký đối với hợp đồng chuyển giao công nghệ thuộc danh mục công nghệ khuyến khích chuyển giao.

Tuy nhiên, sau khi bộ gửi dự thảo luật lấy ý kiến các bộ, ngành, các cơ quan, tổ chức có liên quan và gửi thẩm định Bộ Tư pháp, đề xuất này đã nhận được nhiều ý kiến không đồng thuận do chúng ta đang thực hiện cải cách thủ tục hành chính.

Hơn nữa, Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16 tháng 5 năm 2016 về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 của Chính phủ đã quán triệt phải nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước theo hướng đơn giản hóa khâu tiền kiểm, tăng cường hậu kiểm gắn với điều kiện, quy định cụ thể và thanh tra, kiểm tra, giám sát. Do vậy, Bộ KH&CN đã đề xuất hai phương án về quản lý hợp đồng chuyển giao công nghệ.

Phương án 1: Quản lý hợp đồng chuyển giao công nghệ theo hướng phối hợp với cơ quan thuế kê khai nội dung chuyển giao công nghệ vào biểu kê khai thuế thu nhập của doanh nghiệp.

Phương án 2: Quản lý hợp đồng chuyển giao công nghệ theo hướng các hợp đồng chuyển giao công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam, hợp đồng chuyển giao công nghệ từ Việt Nam ra nước ngoài và hợp đồng chuyển giao công nghệ trong nước có sử dụng ngân sách nhà nước, phải đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về khoa học và công nghệ.