Trải qua bao thăng trầm của tự nhiên và lịch sử, quế Trà My đã khẳng định vị thế chất lượng cao trên thị trường trong và ngoài nước từ xưa đến nay.

Vào năm 1776, khi nhậm chức trong xứ Quảng nhà bác học Lê Quý Đôn đã chép trong tác phẩm “Phủ biên tạp lục” rằng: “Nhục quế, trầm hương và trân châu rất tốt, giá cao thấp nhiều ít không nhất định”, khi ông hỏi giá của một số mặt hàng với một khách buôn tại xứ Quảng.

Điều này cũng đã xác nhận việc xuất khẩu quế qua cảng Đại Chiêm là một thực tế của lịch sử. Vì vậy, Dân gian có câu ca rằng:

“Quế Trà My thứ cay thứ ngọt
Bởi anh thợ rừng mới lọt tay anh
Phân du, bạch chỉ rành rành
Cân tiểu ly mới xứng, ngọc liên thành mới cân”.

Theo nhà dân tộc học người Pháp, Giáo sư Georges Condominas cũng cho rằng hoạt động mua bán quế Trà My với các nước trên thế giới đã diễn ra từ những thế kỷ 20 khi có sự giao lưu buôn bán, thông thương của thương nhân nước ngoài đến từ Tây Ban Nha, Ả Rập.

Tinh dầu quế, một sản phẩm nổi tiếng được làm từ quế Trà My.
Tinh dầu quế, một sản phẩm nổi tiếng được làm từ quế Trà My.

Người Trung Quốc đã sớm nhận ra giá trị của quế Trà My, các thương gia Trung Quốc đã tổ chức thu mua, mang về nước chế biến và bán cho các nước để làm dược liệu có giá trị.

Đồng bào dân tộc Co, Cơ dong, Xê đăng ở vùng núi Trà My đã biết đến công dụng của quế và sử dụng để phòng chống các bệnh thông thường trong đời sống hằng ngày. Họ thường mài vỏ quế rồi uống, bệnh sẽ thuyên giảm, từ đó người ta mới phát hiện được rằng cơ thể con người tiếp xúc với quế sẽ ngăn ngừa được các loại bệnh phong hàn, cảm lạnh, nhức đầu…

Trong thực tế, quế Trà My được các danh y từ ngày xưa xem là vị có tính dương, dùng vào các bài thuốc bổ, chữa trị các bệnh về đường tiêu hoá, tuần hoàn và hô hấp.

Sản phẩm quế Trà My đã rất nổi tiếng, được các nước gần xa biết đến và sử dụng từ rất sớm. Với những đặc điểm về điều kiện đất đai, địa hình và khí hậu vùng núi cao, sản phẩm quế Trà My với những đặc tính vượt trội như có vị cay và nồng hơn so với các loại quế ở nơi khác, vỏ quế Trà My có màu sắc tự nhiên và bên ngoài đậm hơn, chứa rất nhiều tinh dầu, giống như một lớp dầu dày cộm chứa đầy trong vỏ, chính vì vậy nên quế Trà My không chỉ được các nước có truyền thống sử dụng quế ở Châu Á ưa chuộng, mà còn có mặt ở hầu hết các nước trên thế giới.

Sự tồn tại và trở thành hàng hoá của quế Trà My trong những cuộc giao thương trong quá khứ là một sự xác nhận chắc chắn về một loại quế mà giá trị của nó không có nơi nào sánh được.

Sau này, việc khai thác quế Trà My cũng trải qua nhiều thăng trầm cùng với lịch sử. Cũng cần nói thêm rằng, trong thời Mỹ Diệm, bà Trần Lệ Xuân từng chủ trương mở con đường từ thị trấn Trà Xuân, huyện lỵ Trà Bồng qua các xã Trà Thuỷ, Trà Thanh (tỉnh Quảng Ngãi) để mở đường vào khai thác quế Trà My, nhưng việc làm đường bất thành trước sự tấn công của bộ đội và du kích. Điều này càng khẳng định thêm, quế Trà My là mặt hàng có khả năng tiêu thụ mạnh, mang lại giá trị cao và nằm trong chiến lược khai thác tài nguyên của chính quyền Mỹ Diệm.

Trải qua bao thăng trầm của tự nhiên và lịch sử, quế Trà My đã khẳng định vị thế chất lượng cao trên thị trường trong và ngoài nước từ xưa đến nay. Quế Trà My ngày càng đóng góp rõ nét trong nền kinh tế của địa phương, hiện tại với sản lượng 100 tấn/năm đã mang lại cho địa phương khoản ngoại tệ có giá trị 315.000 USD. Khi nền kinh tế thế giới phục hồi, thị trường ổn định và các khu rừng quế đã đến kỳ khai thác dự kiến đạt 200 tấn đến 400 tấn một năm, quế Trà My sẽ là lĩnh vực kinh tế mũi nhọn của địa phương, góp phần cải thiện cuộc sống của đồng bào các dân tộc thiểu số tại Quảng Nam.