Đây là khẳng định của ông Nguyễn Văn Đọc - Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh - tại Hội nghị "Phát triển mỗi xã một sản phẩm trong xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp"diễn ra hôm 2/3 tại TP Hạ Long.

Hội nghị do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và UBND tỉnh Quảng Ninh phối hợp tổ chức dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, với sự có mặt của lãnh đạo các bộ, ngành và đại diện 54 tỉnh, thành trên toàn quốc. Thứ trưởng Phạm Công Tạc đại diện Bộ Khoa học và Công nghệ tham dự.

Tại hội nghị, tỉnh Quảng Ninh được Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường đánh giá là một điển hình trong việc thực hiện đề án "Mỗi xã, phường một sản phẩm" (OCOP - One Commune One Product), đóng góp lớn trong việc tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp.

Từ 2013, tỉnh Quảng Ninh triển khai đề án "Tỉnh Quảng Ninh - mỗi xã, phường một sản phẩm" và gặt hái những thành công đáng kể. Sau hơn 3 năm thực hiện, đã có 210 sản phẩm tham gia OCOP, tạo ra hơn 670 tỷ đồng giá trị hàng hóa, tạo việc làm cho hàng ngàn lao động tại địa phương, góp phần phát triển kinh - xã hội và du lịch của tỉnh.

Hiện, Quảng Ninh cũng là địa phương có nhiều nhất số chỉ dẫn địa lý được Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ - cấp cho các sản vật trên địa bàn, gồm: "Vân Đồn" cho sản phẩm sá sùng, "Quảng Ninh" cho sản phẩm ngán, "Hạ Long" cho sản phẩm chả mực và Yên Tử cho sản phẩm hoa mai vàng.

p
Hội nghị có sự chủ trì của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng (ngồi giữa).

"Việc xây dựng nhãn hiệu, đăng ký sở hữu trí tuệ đối với sản phẩm địa phương được chú trọng và chúng tôi được Bộ Khoa học và Công nghệ hỗ trợ nhiều. Các sản phẩm có chỉ dẫn địa lý giúp tăng 23% giá trị. Nhiều sản phẩm của địa phương sản xuất không đủ để bán" - Phó Chủ tịch tỉnh Quảng Ninh Đặng Huy Hậu chia sẻ kinh nghiệm phát triển OCOP của Quảng Ninh.

Trong giai đoạn 2017-2020, Quảng Ninh sẽ tiếp tục theo đuổi OCOP. "Giai đoạn tới, Quảng Ninh sẽ phân loại OCOP, xây dựng sản phẩm cấp huyện, cấp tỉnh, cấp quốc gia. OCOP rất phù hợp phát triển hợp tác xã, phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ và nâng cao thu nhập cho người nông dân" - ông Đặng Huy Hậu cho biết.

Đại diện Hà Nội, ông Nguyễn Văn Sửu - Phó Chủ tịch UBND thành phố, chia sẻ quan điểm phát triển OCOP, đặc biệt là phát triển sản phẩm từ làng nghề. Ông đề xuất: "Chúng tôi không đề nghị cấp tiền. Chúng tôi đề nghị cơ chế. Đề nghị Chính phủ có nghị định về mỗi xã một sản phẩm. Nếu chúng ta có chính sách cụ thể, các làng nghề sẽ phát triển rất tốt".

Trên cơ sở mô hình đã có, những thành công của Quảng Ninh và các ý kiến chia sẻ tại hội nghị, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đề xuất Chính phủ chấp thuận chủ trương cho bộ dự thảo Nghị định về phát triển làng nghề, sớm trình Chính phủ xem xét, ban hành.

t
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng phát biểu chỉ đạo hội nghị.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng trong phát biểu chỉ đạo hội nghị đã đánh giá rất cao và biểu dương Quảng Ninh về những kết quả mà tỉnh đạt được khi triển khai đề án OCOP: "Quảng Ninh là điểm sáng về phát triển kinh tế phía Bắc. Quảng Ninh rất quan tâm tới nông nghiệp - nông thôn - nông dân và điển hình là đề án OCOP, mang lại nhiều kinh nghiệm cho các địa phương khác".

Phó Thủ tướng cũng thẳng thắn chỉ ra những hạn chế khi thực hiện đề án OCOP như vấn đề môi trường, quy mô sản phẩm hàng hóa, phát huy giá trị văn hóa của làng nghề, doanh nghiệp vào cuộc còn ít...

Khẳng định việc phát triển phi nông nghiệp góp phần phát triển bền vững ở nông thôn, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu các bộ, ngành và địa phương quan tâm tới các việc: Hoàn thiện thể chế, tạo hành lang pháp lý mới phát triển ngành nghề phi nông nghiệp ở nông thôn, xây dựng chính sách tạo môi trường cho OCOP phát triển; tổ chức quy hoạch lại sản xuất ở nông thôn gồm sản xuất nông nghiệp, phi nông nghiệp, trong đó có ngành nghề truyền thống, ngành nghề mới, xác định sản phẩm chủ lực của địa phương; xây dựng kế hoạch thực hiện, trong đó nêu rõ các nguồn lực (vốn, lao động, khoa học và công nghệ...) để từ đó có giải pháp thực hiện; huy động các nguồn lực phát triển kinh tế phi nông nghiệp ở nông thôn.

Phó Thủ tướng cũng lưu ý các bộ, ngành xây dựng cơ chế chính sách, quy hoạch phát triển, tuyên truyền vận động các cấp chính quyền, tổ chức chính trị tham gia thực hiện; đồng thờitạo mọi điều kiện tốt để các nhà khoa học, các nhà tư vấn tham gia.