Đây là kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học Dương Minh Long và Nguyễn Mỹ Hoa, khoa Nông nghiệp và sinh học ứng dụng, Đại học Cần Thơ.

Theo Khoa học và Phổ thông, nhằm giải quyết khó khăn trong khâu chọn mua nguyên liệu làm giá thể của các hộ dân trồng cúc đồng tiền ở làng hoa kiểng Phó Thọ, Bà Bộ, Quận Bình Thủy, Cần Thơ, các nhà khoa học đã nghiên cứu đặc tính một số nguyên liệu sử dụng làm giá thể trồng hoa và ảnh hưởng của biện pháp xử lý mụn dừa trên sinh trưởng hoa cúc đồng tiền (Gerbera jamesonii).

Họ đã sử dụng một số giá thể như mụn dừa, rơm đã chất nấm, bã đã chất nấm bào ngư, bùn mía, phân bò, trấu. Mụn dừa được lấy mẫu từ mụn dừa do nông dân vận chuyển từ Bến Tre để bán lại tại Cần Thơ. Rơm chất nấm lấy mẫu từ rơm đã qua chất nấm của nông dân. Bã đã chất nấm bào ngư được lấy mẫu ngẫu nhiên ở cơ sở sản xuất nấm bào ngư. Phân bò được lấy là mẫu phân bò đã phơi khô từ các hộ nông dân nuôi bò sữa ở Cần Thơ.

Cúc đồng tiền (Gerbera jamesonii).
Cúc đồng tiền (Gerbera jamesonii).

Mẫu sau khi lấy được phơi khô không khí và nghiền qua rây 0,5 mm để phân tích thành phần dinh dưỡng. Vật liệu được để nguyên, không nghiền qua rây để phân tích khả năng giữ nước, pH, EC.

Kết quả thu được là bùn mía là nguyên liệu có pH phù hợp, hàm lượng đạm, lân và Ca cao, khả năng giữ nước thấp. Đây là nguyên liệu tốt để làm giá thể trồng hoa nhưng cần ủ hoai. Các nguồn nguyên liệu khác có những ưu và nhược điểm riêng về các đặc tính lý hóa học và dinh dưỡng, do đó cần khắc phục các nhược điểm của các nguyên liệu khi sử dụng để làm giá thể trồng hoa.

Mụn dừa trước khi trồng được xử lý bằng chế phẩm Trichoderma, xử lý bằng thuốc gốc đồng và mụn dừa ủ hoai giúp cây sinh trưởng tốt nhất.