Đây là dự án do Trung tâm Thực nghiệm Sinh học nông nghiệp Công nghệ cao chủ trì, với tổng kinh phí trên 850 triệu, thực hiện từ năm 2014-2016

Theo Sở KH&CN Bắc Giang, lạc đỏ là giống lạc được trồng từ lâu đời tại Bắc Giang và được trồng chủ yếu tại Tân Yên, lạc có chất lượng hạt ngon, tỷ lệ lạc nhân cao, vỏ mỏng, phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng, có giá trị hàng hóa cao. Dự án triển khai đã giúp phục tráng thành công nguồn gene giống lạc đỏ Bắc Giang, giúp tăng hiệu quả kinh tế 16,6% so với giống lạc hiện trồng ở địa phương.

 Mô hình trồng lạc đỏ tại xã Lan Giới, huyện Tân Yên.
Mô hình trồng lạc đỏ tại xã Lan Giới, huyện Tân Yên.

Sau 2 năm thực hiện, dự án “Phục tráng và phát triển gen giống lạc đỏ Bắc Giang” đã đánh giá thực trạng sản xuất lạc đỏ Bắ Giang trên địa bàn huyện Tân Yên; phục tráng thành công giống lạc đỏ Bắc Giang thu được 300kg giống siêu nguyên chủng; xây dựng thành công mô hình 1ha sản xuất giống nguyên chủng lạc đỏ Bắc Giang tại xã Ngọc Châu (Tân Yên) thu được 1500kg giống nguyên chủng có giấy chứng nhận kiểm nghiệm của Trung tâm Khảo kiểm nghiệm giống, sản phẩm cây trồng quốc gia; xây dựng mô hình 7ha sản xuất giống xác nhận 1 giống lạc đỏ Bắc Giang tại 3 xã Lan Giới, Ngọc Châu, Ngọc Thiện (Tân Yên), năng suất đạt khoảng 22 tạ/ha.

Tuy nhiên, Hội đồng nghiệm thu cho rằng cơ quan chủ trì dự án cần đánh giá lại hiệu quả kinh tế của dự án; phương án duy trì dự án sau khi nghiệm thu; thời vụ trồng, biện pháp kỹ thuật trồng và chăm sóc; quy hoạch vùng chuyên sản xuất lạc giống, có biện pháp quy hoạch vùng sản xuất tập trung…