Xây dựng thiết chế liên kết vùng, từ đó chọn sản phẩm chủ lực, tập trung đẩy mạnh là bước đi quan trọng để phát triển kinh tế, nhưng phải gắn chặt vai trò của doanh nghiệp thì mới mong có được thành công.

Tinh thần này được Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Chu Ngọc Anh nhấn mạnh tại kết luận hội nghị giao ban KH&CN các tỉnh Bắc Trung Bộ lần thứ XII.

Bằng chứng thực tế

Câu chuyện về một doanh nghiệp tại tỉnh Thanh Hóa dùng KH&CN để thay đổi vận mệnh công ty, chuyển hướng sản xuất là một minh chứng hùng hồn cho việc nếu thúc đẩy vai trò của doanh nghiệp cùng với sự vào cuộc kịp thời của KH&CN thì phần thắng là có cơ sở.

Từng đối mặt với hàng loạt khó khăn khi ngành mía đường xuống dốc, khó cạnh tranh về giá so với đường lậu, Công ty cổ phần mía đường Lam Sơn (Lasuco) nghĩ tới chuyện tái cơ cấu bằng nông nghiệp công nghệ cao.

Bộ trưởng Chu Ngọc Anh phát biểu tại hội nghị giao ban khoa học và công nghệ các tỉnh Bắc Trung Bộ lần thứ XII. Ảnh: Loan Lê

Bên cạnh cây chủ lực là mía, Lasuco phủ kín diện tích đất trống, đồi núi trọc trên địa bàn các huyện miền núi Thọ Xuân, Triệu Sơn, Bá Thước… bằng các giống mía, cây ăn quả đặc sản là dưa vàng, cà chua, dưa chuột, hoa lan…

Tận mắt chứng kiến hàng chục hécta nhà kính, nhà lưới trồng những vườn dưa vàng trĩu quả đều tăm tắp, những giò lan mướt hoa mới thấy nếu doanh nghiệp tin vào sức mạnh của KH&CN thì không có gì là không thể.

Ông Lê Văn Tam - Chủ tịch HĐQT Lasuco - cho biết, hiện công ty đang tập trung sản xuất hoa theo chu trình khép kín, từ nhân giống sạch bệnh bằng kỹ thuật nuôi cấy mô đến xây dựng vườn ươm cây giống và tổ chức sản xuất theo công nghệ mới của Israel. Với công nghệ này, Lasuco đã cho ra thị trường các sản phẩm rau quả như: Ớt chuông, dưa vàng, cà chua…, doanh thu trung bình đạt từ 2,5-3 tỷ đồng/năm.

Doanh nghiệp là trọng tâm của đổi mới

Theo Bộ trưởng Chu Ngọc Anh, sau sự vào cuộc kịp thời của chính quyền địa phương thì tiếp đến phải có doanh nghiệp như một “mắt xích” quan trọng để ứng dụng KH&CN vào cuộc sống, đưa sản phẩm đến với thị trường.

Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Việt Thanh (bên phải), Giám đốc Sở KH&CN Thanh Hóa Lê Minh Thông (bên trái) được Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần mía đường Lam Sơn Lê Văn Tam (giữa) giới thiệu về mô hình trồng mía cấy mô. Ảnh: Loan Lê

“Hiện cả nước tập trung cho vấn đề khởi nghiệp, nhưng Bộ KH&CN phải khởi nghiệp về công nghệ gắn với các hoạt động đổi mới sáng tạo, từ đó hình thành đội ngũ doanh nghiệp để làm sao có được nhiều nhất doanh nghiệp ứng dụng KH&CN trên địa bàn. Làm thế nào để ngày càng nhiều doanh nghiệp đáp ứng được điều kiện của doanh nghiệp KH&CN, ứng dụng công nghệ cao, góp phần đưa nhanh nhất kết quả nghiên cứu KH&CN vào cuộc sống” - Bộ trưởng nhấn mạnh.

Thực tế thời gian qua, các chỉ đạo của Bộ KH&CN đã định hướng hoạt động KH&CN lấy doanh nghiệp làm trọng tâm của đổi mới, nâng cao năng lực và là cầu nối thúc đẩy phát triển sản xuất theo chuỗi.

Cùng với đó các sở KH&CN trong vùng đã tích cực tham mưu cho chính quyền địa phương ban hành nhiều chính sách khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện đổi mới, nghiên cứu ứng dụng công nghệ nhằm nâng cao năng lực sản xuất; đẩy mạnh việc nắm bắt, phối hợp và đã có nhiều hoạt động hỗ trợ trực tiếp cho doanh nghiệp thông qua nhiều hình thức khác nhau.

Đánh giá cao kết quả hoạt động KH&CN các tỉnh giai đoạn 2014-2016 cũng như đóng góp của KH&CN phục vụ phát triển kinh tế địa phương, Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Việt Thanh nhấn mạnh vai trò liên kết vùng, phát triển các sản phẩm chủ lực, song ông cũng khẳng định: “Liên kết gì thì liên kết cũng phải có doanh nghiệp, nếu không thì rất khó để thành công”.