Đề tài “Nghiên cứu phân lập, tuyển chọn và định danh các dòng vi sinh vật bản địa có ích trong đất phèn” của PGS-TS Tất Anh Thư - ĐH Cần Thơ tập trung vào nghiên cứu phát triển vi sinh vật bản địa có lợi cho cây trên đất phèn.

Hậu Giang là một trong những tỉnh ở đồng bằng sông Cửu Long có diện tích đất phèn tương đối lớn. Vì vậy, PGS.TS Tất Anh Thư, ĐH Cần Thơ và cộng sự, đã thực hiện đề tài “Nghiên cứu phân lập, tuyển chọn và định danh các dòng vi sinh vật bản địa có ích trong đất phèn”, nhằm giảm lượng phân đạm và lân, qua đó PGS Thư xác định các biện pháp canh tác kết hợp sử dụng vi sinh vật đất, để nâng cao độ phì nhiêu và phát triển mô hình luân canh lúa – màu trên đất phèn, để hướng dẫn cho bà con nông dân kỹ thuật canh tác.

PGS Tất Anh Thư cho biết, trên đất phèn ở Hậu Giang, chúng tôi đã phân lập được 104 dòng vi khuẩn từ các mẫu khoai lang, khoai mỡ; trong đó, phân lập được 55 dòng đất vùng rễ và 49 dòng được nội sinh trong rễ cây trồng. Hầu hết các vi khuẩn đều có dạng hình que và có khả năng di động. Trong đất phèn, lân ở dạng khó tiêu, khi có rất nhiều nên vi sinh vật hoà tan sẽ giúp lân trở nên dễ hấp thụ hơn, làm thay đổi độ pH trong đất, giảm hợp chất nhôm sắt, dẫn đến giảm hàm lượng phèn.

Các kỹ sư của sở Khoa học và công nghệ Hậu Giang hướng dẫn bà con sử dụng chế phẩm vi sinh vật tại hợp tác xã Tiến Nông (Long Mỹ, Hậu Giang). Ảnh: Trúc Mai

Từ các vi khuẩn phân lập được, nhóm nghiên cứu đã chọn ra sáu dòng vi sinh vật có lợi cho cây trồng, có khả năng cố định đạm và hoà tan lân. Sau một vụ thử nghiệm đối với khoai lang, khoai mỡ và lúa, PGS Thư thông báo: “Kết quả ban đầu rất khả quan. Các dòng khuẩn đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của cây trên đất phèn. Vì chúng tổng hợp được các chất kích thích sinh trưởng thực vật, tăng cường phát triển bộ rễ và tăng khả năng hấp thụ chất dinh dưỡng trong cây”. Ngoài việc năng suất và kích thước củ tăng so với vụ trước, lượng phân bón đạm và lân cũng giảm được từ 20 – 50%, nhờ các vi khuẩn nội sinh, giữ đạm hoà tan lân. Ngoài ra, năng suất lúa trên nền trồng màu cũng tăng 11% so với vụ trước.

Kết quả của nhóm nghiên cứu hiện đang được trung tâm Thông tin và ứng dụng khoa học công nghệ tỉnh Hậu Giang, ứng dụng thử nghiệm cho một vài mô hình canh tác. Điển hình là mô hình trồng 11ha bưởi da xanh của hợp tác xã Tiến Nông, huyện Long Mỹ.

Theo ông Trần Văn Tôn, giám đốc hợp tác xã, sau hơn bốn tháng trồng thử nghiệm bằng công nghệ phân lập vi sinh, ông Tôn cho biết, cây bưởi phát triển mạnh, ra mầm to, khoẻ và ít sâu bệnh hơn. Vào vụ tới, ông Tôn sẽ tiếp tục vận động bà con trong hợp tác xã mở rộng thêm diện tích cũng như cây trồng, sử dụng dung dịch này. “Đây có thể là hướng đi mới để bà con có thêm nhiều lựa chọn các loại cây trồng canh tác trên đất phèn trong thời gian tới”, ông Tôn chia sẻ.

Theo PGS.TS Tất Anh Thư, ngoài tính ưu việt cố định đạm, hoà tan lân, trong quá trình phát triển, các vi sinh vật cũng có khả năng tạo ra một số chất kích thích giúp cây trồng chống được các mầm bệnh, và hấp thụ dinh dưỡng tốt hơn nếu được bón đủ liều và đúng kỹ thuật. Để khẳng định hiệu quả của các dòng vi sinh vật này, PGS Tất Anh Thư khẳng định cần phải thử nghiệm đánh giá trên nhiều vụ và nhiều loại cây trồng khác. Ngoài ra, bà mong muốn được đầu tư nghiên cứu tiếp với những vùng đất phèn có nguy cơ nhiễm mặn cao hoặc đất mặn, giúp bà con nông dân thay đổi cơ cấu cây trồng trước tác động của biến đổi khí hậu.