Một dấu mốc quan trọng là năm 2013, lô hàng nước mắm đầu tiên mang thương hiệu Vạn Phần được xuất khẩu sang thị trường Malaysiavới số lượng 18.000 lít. Đây chính là bước ngoặt lớn, là sự khởi đầu để mở rộng ra thị trường nước ngoài.

Khẳng định thương hiệu

Năm 2000, Công ty Vạn Phần chính thức trở thành doanh nghiệp cổ phần hoạt động theo luật doanh nghiệp trên cơ chế hoàn toàn tự chủ. Sau khi chuyển đổi, Công ty cổ phần thủy sản Diễn Châu gặp nhiều khó khăn, nhất là về vốn, giải quyết việc làm và thị trường tiêu thụ sản phẩm. Trước tình hình đó lãnh đạo Công ty đã trăn trở, suy nghĩ, tìm giải pháp đẩy mạnh sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Tập trung nhiệm vụ đào tạo nghề, tuyển dụng lao động trẻ có tay nghề, có kinh nghiệm để nâng cao chất lượng sản phẩm.

Khu chế biến nước mắm của Công ty Cổ phần thủy sản Vạn Phần.
Khu chế biến nước mắm của Công ty Cổ phần thủy sản Vạn Phần. Ảnh: Lương Mai

Ngoài việc chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm, Ban giám đốc đã tìm kiếm thị trường bằng việc tham gia nhiều hội chợ, triển lãm tại TP Vinh, Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ hay các tỉnh phía Bắc… Qua các hội chợ, Công ty đã mở thêm nhiều cửa hàng, đại lý và một số điểm ký gửi. Hiện nay công ty có gần 240 đại lý trên khắp cả nước. Một dấu mốc quan trọng là năm 2013, lô hàng nước mắm đầu tiên mang thương hiệu Vạn Phần được xuất khẩu sang thị trường Malaysiavới số lượng 18.000 lít. Đây chính là bước ngoặt lớn đánh dấu sự phát triển vượt bậc và sự khởi đầu để Công ty mở rộng ra thị trường nước ngoài.

Kiểm tra chất lượng sản phẩm tại Công ty CP nước mắm Vạn Phần.  Ảnh: Văn Hải
Kiểm tra chất lượng sản phẩm tại Công ty CP nước mắm Vạn Phần. Ảnh: Văn Hải

Ông Võ Văn Đại – Giám đốc Công ty cổ phần thủy sản Vạn Phần cho biết: Xác định chất lượng sản phẩm quyết định sự sống còn của doanh nghiệp, nên Công ty đã áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng an toàn thực phẩm ISO 22.000 : 2005 vào sản xuất, nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm. Đã ứng dụng 4 đề tài KHCN mới, chương trình sản xuất sạch hơn, chuyển đổi quy trình kỹ thuật, giúp thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường và tiết kiệm chi phí hàng tỷ đồng mỗi năm.

Đóng chai nước mắm Vạn phần tại Công ty Cổ phần thuỷ sản Vạn Phần 	Ảnh: Văn trường
Đóng chai nước mắm Vạn phần tại Công ty Cổ phần thuỷ sản Vạn Phần. Ảnh: Văn Trường

Hàng năm Công ty sản xuất ra trên 1 triệu lít nước mắm với độ đạm rất cao từ 25 - 30 độ, đem lại doanh thu hơn 12 tỷ đồng. Thu nhập bình quân của lao động năm 2015 đạt 6 triệu đồng/người/tháng. Hiện nay sản phẩm của công ty không chỉ được người tiêu dùng trong nước tín nhiệm mà còn xuất khẩu sang các nước như Nga, Úc, Hàn Quốc, lào, Malai xia, Ăng gô la… Điều đó chứng tỏ thương hiệu nước mắm truyền thống Vạn Phần từng bước được khẳng định. Đơn vị đang thực hiện dự án “Tạo lập, quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận “Nước mắm Vạn Phần” dùng cho sản phẩm nước mắm của huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An” do Bộ Khoa học & Công nghệ, Sở Khoa học & Công nghệ Nghệ An tài trợ sẽ giúp cho nước mắm Diễn Châu có điều kiện phát triển.

Xây dựng sở hữu trí tuệ

Xác định được vai trò quan trọng của công tác sở hữu trí tuệ, ngay từ khi chuyển sang mô hình công ty cổ phần, lãnh đạo công ty đã thực hiện nhiều biện pháp như tham quan, ứng dụng khoa học công nghệ mới, chuyển đổi quy trình sản xuất từ nấu phá bã sang kéo rút, vừa tiết kiệm chi phí sản xuất, tăng năng suất lao động, tăng chất lượng nước mắm Vạn Phần, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, đảm bảo sức khỏe cho cộng đồng. Nhờ vậy, sản phẩm Nước mắm Vạn Phần ngày càng được người tiêu dùng ưa chuộng và tin tưởng sử dụng, giúp cho thị trường mở rộng trong nước và xuất khẩu ra nước ngoài.

Sản phẩm nước mắm Vạn Phần tham gia trưng bày, giới thiệu tại Sàn giao dịch công nghệ - thiết bị của Sở KH - CN.
Sản phẩm nước mắm Vạn Phần tham gia trưng bày, giới thiệu tại Sàn giao dịch công nghệ - thiết bị của Sở KH - CN.

Năm 2004, Công ty đã được Cục sở hữu trí tuệ Việt Nam cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hàng hoá số 56727, theo quyết định A5824/QĐ-ĐK ngày 27/8/2004. Ngoài ra, Tổng cục đo lường chất lượng Việt Nam cũng đã cấp mã số mã vạch 89350520 theo quy định của Hiệp hội vạch quốc tế cho các sản phẩm của công ty. Đây là cơ sở pháp lý để công ty khẳng định vị thế và nâng cao tính cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường.

Ông Võ Văn Đại khẳng định: Ngày 12/4/2016, Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam đã cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu “Nước mắm Vạn Phần” cho sản phẩm nước mắm của Công ty CP thủy sản Diễn Châu. Việc xây dựng và quản lý nhãn hiệu chứng nhận tập thể “Nước mắm Vạn Phần” dùng cho sản phẩm nước mắm của huyện Diễn Châu tỉnh Nghệ An nhằm bảo vệ uy tín, nâng cao danh tiếng và khả năng cạnh tranh của sản phẩm nước mắm của địa phương Diễn Châu trên thị trường góp phần giải quyết công ăn việc làm và tăng thu nhập cho các hộ sản xuất và kinh doanh trên địa bàn Diễn Châu.

Đóng chai sản phẩm nước mắm tại Công ty cổ phần thủy sản Vạn Phần
Đóng chai sản phẩm nước mắm tại Công ty cổ phần thủy sản Vạn Phần.

Thời gian tới, Công ty mong muốn Sở KHCN Nghệ An hỗ trợ cho doanh nghiệp đẩy mạnh việc phát triển thương hiệu, tiến hành đăng ký quốc tế. Khi có điều kiện, Nhà nước cần có biện pháp đầu tư đúng mức để chuyển Nhãn hiệu chứng nhận Nước mắm Vạn Phần thành chỉ dẫn địa lý, góp phần cho kinh tế biến Nghệ An phát triển mạnh như Nghị quyết tỉnh Đảng bộ Nghệ An khóa XVIII, nhiệm kỳ 2015-2020 đã định hướng.