Cũng là gà, là gạo, là rau quả…, nhưng nông sản Bắc Giang đã trở thành thương hiệu được bảo hộ - thậm chí là trên thị trường quốc tế, khiến giá trị và hiệu quả kinh tế tăng mạnh. Đó là nhờ tập trung áp dụng khoa học và công nghệ (KH&CN) vào nông nghiệp.

Nâng cao chất lượng sản phẩm bằng VietGAP

Là một tỉnh thuộc vùng trung du và miền núi phía bắc, Bắc Giang có hơn 80% dân số sống ở khu vực nông thôn, gần 65% số lao động làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp. Do đó, hoạt động nghiên cứu, ứng dụng KH&CN tập trung vào lĩnh vực nông nghiệp đã đóng góp to lớn vào việc chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp theo hướng tích cực.

Đoàn công tác của Bộ KH&CN khảo sát vùng sản xuất vải thiều tại Lục Ngạn (Bắc Giang). Ảnh: Ngũ Hiệp
Đoàn công tác của Bộ KH&CN khảo sát vùng sản xuất vải thiều tại Lục Ngạn (Bắc Giang). Ảnh: Ngũ Hiệp

Có thể kể đến nhiều điểm sáng nổi bật trong việc nghiên cứu, áp dụng thành công và nhân rộng các quy trình sản xuất nông nghiệp tiên tiến cho sản phẩm nông nghiệp hàng hóa như vải thiều, bưởi, cam, lúa chất lượng cao; lạc, rau an toàn, chè, gà đồi…

Đặc biệt trong năm 2015, tỉnh Bắc Giang đã triển khai sản xuất đặc sản vải thiều theo tiêu chuẩn VietGAP với diện tích 12.200ha, đạt sản lượng gần 80.000 tấn. Tỉnh cũng xây dựng mô hình sản xuất vải thiều theo tiêu chuẩn GlobalGAP với diện tích 50ha, đạt sản lượng 300 tấn, bảo đảm được các tiêu chuẩn xuất khẩu hàng hoá này sang Mỹ, đáp ứng được yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm, góp phần tăng giá trị 20-30% so với vải thiều sản xuất thông thường.
Tỉnh Bắc Giang cũng đã xây dựng và bảo hộ thương hiệu thành công cho các sản phẩm nông nghiệp hàng hóa như vải thiều Lục Ngạn, gà đồi Yên Thế, gạo thơm Yên Dũng, na Lục Nam, rau an toàn Song Mai… Trong đó, các sản phẩm vải thiều Lục Ngạn, gà đồi Yên Thế, mì Chũ, mì Kế đã được bảo hộ thương hiệu tại thị trường nước ngoài.

Hiện nay, ngành KH&CN tỉnh Bắc Giang tập trung nghiên cứu đẩy mạnh chuyển giao công nghệ bảo quản, chế biến nông sản sau thu hoạch như nghiên cứu phương pháp bảo quản vải thiều tươi bằng công nghệ của Israel, công nghệ CAS của Nhật Bản…

Đẩy mạnh chuyển giao công nghệ

Ông Nguyễn Văn Chức - Giám đốc Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN tỉnh Bắc Giang - cho biết: Trong năm 2015, trung tâm đã thực hiện 5 mô hình ứng dụng và chuyển giao các tiến bộ KH&CN vào sản xuất và đời sống như: Mô hình sản xuất giá thể hữu cơ phục vụ rau an toàn và hoa chất lượng cao quy mô 3.000kg giá thể; mô hình trồng rau trái vụ an toàn quy mô 2.000m2 với một số loại rau trái vụ/2 vụ như su hào, rau cải, rau gia vị (thìa là, rau mùi…); mô hình trồng thử nghiệm hoa lan phi điệp tím quy mô 160 giò lan; mô hình trồng thử nghiệm hoa lan hoàng thảo quy mô 1.300 chậu lan; mô hình nuôi cá trắm đen theo hình thức thâm canh trên địa bàn huyện Tân Yên quy mô 200 con.

Ngoài ra, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN tỉnh Bắc Giang được Giám đốc Sở KH&CN giao nhiệm vụ đột xuất với đề tài: Nghiên cứu, triển khai hệ thống nạp rác tự động theo hộp đẩy áp dụng cho lò đốt rác thải sinh hoạt; cung ứng 11.480l chế phẩm emina xử lý ô nhiễm môi trường và nuôi trồng thủy sản; tư vấn lắp đặt 3 hầm khí biogas composite; cung cấp trên 500kg chế phẩm fito biomix RR và 200l chế phẩm khử H2S rơm rạ làm phân hữu cơ.

Các mô hình được xây dựng trong quá trình thực hiện nhiệm vụ khoa học trên đã bước đầu có hiệu quả, từng bước được chuyển giao kỹ thuật, ứng dụng vào thực tiễn sản xuất và đời sống, góp phần phát triển kinh tế - xã hội cho Bắc Giang.

Tuy nhiên, ngành KH&CN tỉnh Bắc Giang cũng xác định còn một số điểm yếu cần khắc phục như: Chưa có nhiều mô hình tổ chức sản xuất tạo chuỗi liên kết giữa sản xuất, chế biến và tiêu thụ; chưa xây dựng được cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ; chưa thu hút nhiều doanh nghiệp tham gia nghiên cứu khoa học cũng như tiếp cận nguồn vốn của trung ương.

Ngoài ra, một số dự án KH&CN còn chưa bám sát thực tế, tiến độ triển khai còn chậm, việc thẩm tra công nghệ còn nhiều hạn chế. Công tác quản lý nhà nước về giống, phân bón, thuốc thú ý, thuốc bảo vệ thực vật còn thiếu chặt chẽ.

Trong thời gian tới, để tạo đà cho KH&CN tỉnh Bắc Giang phát triển hơn nữa, Sở KH&CN sẽ xây dựng cơ chế chính sách coi KH&CN là đòn bẩy của quá trình tái cơ cấu, khuyến khích ứng dụng tiến bộ KH&CN mới phục vụ sản xuất kinh doanh.

Tháng 5 vừa qua, Sở KH&CN Bắc Giang cũng đã ký chương trình hợp tác về KH&CN phát triển dược liệu công nghệ cao với Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam và Câu lạc bộ Tiến sỹ trẻ khối các cơ quan trung ương. Đề án này tập trung nghiên cứu, triển khai, sản xuất và thương mại hóa các sản phẩm phục vụ chăm sóc sức khỏe cộng đồng, đẩy mạnh việc đổi mới sáng tạo KH&CN, phát huy các sáng kiến, đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực dược liệu.