Chính do địa hình phức tạp của đảo đã ảnh hưởng tốt đến sự phân giải cá trong sản xuất nước mắm.

Nước mắm Phú Quốc đã trở thành loại nước chấm nổi tiếng trong bữa ăn truyền thống hàng ngày của người Việt Nam, được bảo hộ tên gọi xuất xứ từ năm 2001 và lên đường xuất khẩu ra thị trường trên toàn thế giới.

Nước mắm Phú Quốc thực chất đã được bảo hộ nhằm chống lại sự làm giả làm nhái từ năm 1998, kể từ khi Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Pháp ký Bản ghi nhớ cam kết chống lại sự giả mạo Tên gọi xuất xứ được bảo hộ trên sản phẩm ở trong lãnh thổ của mình.

Điều kiện địa hình

Ảnh: Sonasea-resorts.
Ảnh: Sonasea-resorts.

Địa hình đảo Phú Quốc nhìn chung khá phức tạp bị chia cắt bởi nhiều sông, suối và đồi núi. Dãy Hàm Ninh là dãy núi lớn nhất, độ cao trung bình từ 300 - 500m.

Phú Quốc được chia thành hai vùng:

Vùng Bắc đảo có dạng địa hình chủ yếu là đồi núi hình cánh cung từ Tây Bắc đến Đông Bắc che kín phía Tây Nam.

Vùng Nam đảo là dạng đồi núi rải rác xen kẽ các đồng bằng hẹp có dốc độ trung bình 150 thấp dần về phía Tây và Tây Nam.

Chính dạng địa hình này đã làm cho các nhà sản xuất nước mắm phải lấy nuớc đưa vào sản xuất từ những giếng khoan sâu trên 100m. Độ pH tự nhiên của nước là một yếu tố quan trọng ảnh hưởng tốt đến sự phân giải của cá trong sản xuất nước mắm vì ở độ pH này thích hợp cho sự phân giải của hệ men Pepsin, sự thủy phân của hệ men Tripsin.

Điều kiện về vùng biển

Đảo Phú Quốc được bao quanh bởi vùng biển mang những đặc tính riêng biệt nhờ vùng đồng bằng châu thổ sông Mêkông. Vùng châu thổ này tạo nên môi trường lý tưởng có một không hai cho sự phát triển của cá cơm là nguyên liệu chính để sản xuất nước mắm.

Vùng đảo này nằm trong vịnh Rạch Giá - Hà Tiên (thuộc vịnh Thái Lan), như đã đề cập đến ở trên, là nơi hợp lưu của nhiều con sông đi qua vùng đồng bằng châu thổ sông Mêkông và Biển Hồ của Campuchia chảy ra biển, mang theo nhiều phù sa và các chất hữu cơ tạo nên môi trường sống lý tưởng cho cá cơm và cá sòng, đưa lại cho cá ở đây chất lượng tốt hơn cá ở các vùng biển khác.