Cói Nga Sơn được nhiều người ưa chuộng và sử dụng là nhờ có các tính chất, chất lượng đặc thù, khác biệt so với các loại cói khác như sợi nhỏ, dai, óng mượt và tạo ra những sản phẩm có chất lượng cao.

Cói là tên gọi của một nhóm thực vật trong họ Cói (Cyperaceae), chủ yếu thuộc chi Cyperus (cùng các loài lác, cú). Ở Việt Nam, cói mọc và được trồng ở các tỉnh phía Bắc từ Quảng Ninh đến Thanh Hóa và dọc ven biển các tỉnh Nam Trung Bộ.

Người dân Thanh Hóa thu hoạch cói. Ảnh: Báo Nông nghiệp Việt Nam.
Người dân Thanh Hóa thu hoạch cói. Ảnh: Báo Nông nghiệp Việt Nam.

Hai loài chủ yếu được trồng là cói bông trắng (Cyperus tegetiformis) và cói bông nâu (Cyperus corymbosus). Cói được dùng chủ yếu để dệt chiếu cói và sản xuất các hàng thủ công mỹ nghệ từ cói như: Túi, làn, dép, mũ cói và nhiều các mặt hàng khác được ưa chuộng. Khi dùng dệt chiếu thì sợi cói được đem chẻ mỏng, phơi khô rồi đem dệt. Sợi cói cũng có thể đem xe lại làm sợi lớn hơn thay vì dùng ở dạng sợi nguyên.

Đặc tính cảm quan của cói Nga Sơn

Cói Nga Sơn được nhiều người ưa chuộng và sử dụng là nhờ có các tính chất, chất lượng đặc thù, khác biệt so với các loại cói khác. Theo đó, chất lượng cảm quan của cói mang chỉ dẫn địa lý Nga Sơn được mô tả như sau:
Thân cói tươi có màu xanh mướt, bóng mượt; sau khi thu hoạch sợi cói có màu trắng, đẹp, dai và bền.

Sản phẩm từ sợi cói bóng đẹp, sợi nhỏ và đều.

Các đặc tính cơ lý của cói Nga Sơn

Cói Nga Sơn nổi tiếng là sợi nhỏ, dai, óng mượt. Ðiều đặc biệt ít có nơi nào có thể trồng được loại cói dài như ở vùng này, loại cói chuyên dùng để dệt những tấm chiếu hoặc các sản phẩm thủ công vừa đẹp lại vừa bền.