Bên cạnh những đặc sản như bánh ít lá gai, nước mắm Gò Bồi, dừa Tam Quan, mảnh đất võ Bình Định còn rất nhiều đặc sản “nức tiếng” khác.

1. Nem chợ Huyện - Tuy Phước

Ai về Tuy Phước ăn nem
Ghé qua Hưng Thạnh mà xem tháp Chàm

Nem chợ Huyện được lưu truyền từ hơn trăm năm nay tại vùng đất này. Theo Dân trí, nem chợ Huyện được làm từ đùi thịt heo cỏ từ 6 đến 8 tháng tuổi. Muốn nem ngon thịt nạc phải săn, tươi, lấy khi heo mới được thịt. Thịt sau khi lọc bỏ mỡ, rửa sạch, lau khô, cắt ngang thớ khoảng 3 phân, thái nhỏ rồi cho vào cối giã nhuyễn chừng 30 phút.

Ảnh minh họa.

Theo người dân, muốn nem ngon phải giã bằng cối đá xứ Quảng, thường dùng nhất là đá Non Nước Đà Nẵng màu trắng có vân đen, mịn láng. Khi giã phải giã đều tay, không ngừng nghỉ đồng thời thêm nếm chút đường, muối theo tỉ lệ đã quy định sẵn cho đến khi thịt “chín”; tiếp tục thêm tiêu hạt, tỏi bóc vỏ xắt mỏng, chút nước mắm kho và da heo lạng kĩ mỡ xắt sợi mịn như tóc hoặc xắt hạt lựu trộn đều.

Nem sau khi gói xong được để khoảng 3 ngày thì “chín”. Lúc bóc ra, nem có màu đỏ hồng, có vị chua dìu dịu, rất khó quên, nhất là khi được nhâm nhi với một chén rượu quê.

"Rượu ngon Bầu Đá mê li/ Gặp nem chợ Huyện bỏ đi sao đành?

Hiện nay, để tiếp tục giữ gìn và phát huy món ăn truyền thống này, lãnh đạo huyện Tuy Phước đang tích cực hoàn thiện hồ sơ gửi Cục sở hữu trí tuệ để đăng ký thương hiệu, xây dựng bản đồ chỉ dãn địa lý.

2.Nón Gò Găng

Nếu như người Huế tự hào có nón lá Huế - sản phẩm được bảo hộ chỉ dẫn địa lý, thì người Bình Định cũng tự hào có nón Gò Găng.

Gò Găng có nón chung tình
Ở đây có thiếp một dạ với mình, mình ơi

Theo tìm hiểu, chiếc nón Gò Găng được làm bằng vành tre cật, chuốt nhỏ như tăm, đan thành ba lớp mê sườn; bên ngoài phủ lớp lá kè non, chằm bằng chỉ. Trên đỉnh chóp được gắn chụp bạc hoặc đồi mồi có chạm trổ long-lân-qui-phụng. Quai nón được làm bằng lụa xanh hoặc đỏ, bản rộng và đều.

Ảnh minh họa.

Dần dần, nón ngựa được cải biên thành ngựa đơn rồi nón buôn, nón chũm, rẻ hơn nhiều. Các loại này đều không có chụp bạc, nó được thay bằng những tua ngũ sắc ở chóp nón cho đẹp.

Theo phong tục ở các vùng làm nón, ngày cưới, nhà giàu rước dâu bằng kiệu, chàng rể thì đội nón đi ngựa; còn những nhà nghèo cũng ráng sắm đôi nón ngựa cho cô dâu chú rể đội đi trong ngày cưới. Vậy nên có câu ca dao:

Cưới nàng đôi nón Gò Găng
Xấp lãnh An Thái, một khăn trầu nguồn

3. Bún song thằn An Thái

Nón ngựa Gò Găng
Bún song thằn An Thái
Lụa đậu tư An Ngãi
Xoài tượng chín Hưng Long

Ảnh minh họa.

Bún song thằn có cái tên như vậy là do khi làm bún, người ta bắt dây bún từng đôi một. Lâu dần, có người đọc trại đi thành bún song thần.

Nguyên liệu chính để làm bún là đậu xanh. Do vậy, bún song thằn có hương vị thơm ngon và giá trị dinh dưỡng cao.

Theo người dân nơi đây, bún song thằn muốn ngon, ra đúng vị phải dùng nước sông Kôn. Bún song thằn phải phơi phóng mới thành phẩm và vì thế người ta có thể kết hợp nó với nhiều nguyên liệu khác như tôm, thịt nạc, lòng gà ăn...