Bắc Giang, Sơn La, Hà Nội... là những tỉnh có nhiều mô hình ứng dụng KH&CN thuộc Chương trình Nông thôn - Miền núi thành công (như mô hình trồng nấm theo quy mô công nghiệp, mô hình chè tại Yên Thế, dự án sản xuất rau hoa trái vụ…).

Ông Nguyễn Thế Ích - Chánh Văn phòng Chương trình Nông thôn - Miền núi - Bộ Khoa học và Công nghệ - đã điểm một vài địa phương xây dựng được các mô hình thành công khi tham gia chương trình.

Theo ông Ích, từ năm 1998 đến nay, số dự án Nông thôn - Miền núi được phê duyệt tương đối lớn, trải rộng trên địa bàn cả nước. Thời điểm thực hiện dự án gắn với từng giai đoạn phát triển khác nhau của đất nước; mỗi dự án đem lại hiệu quả nhất định cả về chiều rộng và chiều sâu trong việc phát triển kinh tế, xã hội cho các địa phương.

Việc đánh giá một cách đầy đủ tỉnh nào có nhiều mô hình ứng dụng KH&CN thành công nhất để so sánh, theo ông Ích, là tương đối khó khăn. Tuy nhiên, có thể điểm một số địa phương có mô hình thành công như Bắc Giang, Sơn La, Hà Nội... với nhiều mô hình trồng nấm theo quy mô công nghiệp, mô hình chè, dự án sản xuất rau hoa trái vụ...

Mô hình trồng chè ở Phú Thọ
Mô hình trồng chè ở Phú Thọ.

Cụ thể, với Hà Nội, năm 2011, Công ty TNHH xuất nhập khẩu Kinoko Thanh Cao chủ trì thực hiện dự án “Xây dựng mô hình sản xuất, chế biến và tiêu thụ nấm ăn, nấm dược liệu quy mô công nghiệp tại thành phố Hà Nội”. Từ khi áp dụng công nghệ mới trong sản xuất giống và nuôi trồng thương phẩm nấm, công ty đã tự sản xuất giống nấm cho các mô hình thương phẩm và cung cấp giống nấm cho bà con quanh vùng. Năng suất nấm của công ty tăng từ 15-20% so với cách trồng theo công nghệ truyền thống.

"Dự án đã giúp công ty mở rộng sản xuất, giải quyết việc làm cho 30 lao động thường xuyên với thu nhập 4-6 triệu đồng/tháng; thu hút hàng chục hộ dân quanh vùng tham gia trồng nấm trong thời điểm nông nhàn với thu nhập 50-70 triệu đồng/vụ. Kết thúc dự án, doanh nghiệp tăng doanh thu 10 lần so với trước khi thực hiện dự án (doanh số 14 tỷ đồng/năm)" - ông Ích nói và cho biết, năm 2016- 2017, công ty đã đầu tư dây chuyền sản xuất nấm kim châm có tổng giá trị 60 tỷ đồng. Doanh thu từ việc đầu tư này đạt 622 tỷ/năm (khi dây chuyền chỉ chạy 1/7 công suất).