PGS-TS Phạm Gia Điền cho rằng, Việt Nam có nguồn nguyên liệu phong phú, dồi dào, tiếc là không làm chủ được công nghệ chế biến để mang lại giá trị cao.

PGS-TS Phạm Gia Điền - tác giả của sản phẩm artemisinin chữa sốt rét, loại thuốc đã thay thế thành công các sản phẩm nhập ngoại, làm lợi cho Việt Nam mỗi năm 20 triệu USD - cho rằng, Việt Nam có nguồn nguyên liệu phong phú, dồi dào, tiếc là không làm chủ được công nghệ chế biến để mang lại giá trị cao.

PGS-TS Phạm Gia Điền có rất nhiều công trình nghiên cứu bổ ích. Ảnh: Lê Loan
PGS-TS Phạm Gia Điền có rất nhiều công trình nghiên cứu bổ ích. Ảnh: Lê Loan

Tự mình làm chủ công nghệ

Tôi gặp PGS-TS Phạm Gia Điền trong một buổi sáng tất bật. Căn phòng làm việc nhỏ của ông ở Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Việt Nam có đủ thứ mùi: Mùi thuốc, mùi thảo dược, mùi nguyên liệu gấc, nghệ, nụ hoa hòe…. Để có thời gian một tiếng đồng hồ cho tôi, ông phải rất khó khăn mới thu xếp được. Ông kể, trước đây ông đam mê thiên văn và chế tạo máy. Khi đi học lại chọn ngành hóa phân tích rồi sang hóa dược. Cũng nhờ sở thích về chế tạo máy mà đến giờ ông tự thiết kế, lắp đặt được các loại máy trong phòng thí nghiệm của mình. Ngoài ra, ông còn tự nhận mình là “thầy lang” và chữa được cả ung thư nữa vì “phòng bào chế thuốc của tôi có thuốc”.

Vừa kết thúc chuyến khảo sát kéo dài hơn 1 tuần về sản phẩm nghệ ở Bắc Cạn và Thái Nguyên, ông trở về Hà Nội và ngập trong một núi việc. Ông chia sẻ: “Dù có hội nhập sâu đến thế nào thì các nhà khoa học vẫn phải nghiên cứu để làm chủ công nghệ, vì không có quốc gia nào bán bí quyết công nghệ cho nước khác. Nếu không làm chủ được công nghệ thì không thể phát triển được nên tôi cứ mày mò làm dần dần. Từ những dây chuyền sản xuất, chiết tách nhỏ đến những quy mô lớn hơn để xuất khẩu được sản phẩm ra thế giới, chúng ta đều phải làm chủ về công nghệ, rồi cải tiến, nâng cấp thì mới phát triển được”.

“Công nghệ chiết tách artemisinin từ cây thanh hao hoa vàng để phòng chống sốt rét ở Việt Nam có rất nhiều tiềm năng. Nếu được đầu tư bài bản, có thể phát triển thành thuốc chống ung thư chứ không chỉ là thuốc chống sốt rét. Một số loại thuốc chữa bệnh khác hoàn toàn có thể triển khai sâu để ứng dụng vào thực tế, nhưng rồi đủ cái khó dẫn đến không thể làm được. Hay công nghệ chiết xuất từ củ bình vôi để làm thuốc an thần, tách chiết dầu gấc từ màng gấc để xuất khẩu với giá trị lớn, nụ hoa hòe cũng mang lại giá trị kinh tế cao, có tác dụng chữa bệnh rất tốt… Tất cả những cái đó đều có thể đẩy lên thành sản phẩm quốc gia rồi xuất khẩu ra thế giới, nhưng dường như không ai quan tâm đến điều đó” - PGS-TS Phạm Gia Điền trầm tư.
Tiền đến tận tay nhà khoa học rất ít

Tôi hỏi, ông làm hóa dược thì ông nghiên cứu những loại thuốc gì. Ông bảo nhiều lắm, từ thuốc ngủ đến thuốc chữa tim mạch, điều trị ung thư… nhưng đáng nhớ nhất là sản phẩm thuốc chữa sốt rét từ cây thanh hao.

Người Việt có tâm lý sính ngoại trong khi thuốc được xem là hàng hoá không mặc cả, điều đó khiến thuốc ngoại luôn cao hơn rất nhiều so với giá trị thực. Giả sử, giá nguyên liệu sản xuất thuốc ngoại chỉ hết có 1.000 đồng thì qua các khâu sản xuất, quảng cáo, đặc biệt là các khâu trung gian, chiết khấu cho các đại lý, bác sỹ trong bệnh viện để được xuất hiện trong đơn kê, giá thành của thuốc ngoại đã đội lên tới hàng triệu đồng. Trong khi đó, công dụng của thuốc nội và thuốc ngoại nhiều khi không khác nhau là mấy. Điều này khiến người dân chịu nhiều thiệt thòi.

Để làm ra một loại thuốc thì chi phí đầu tư rất lớn. Ông cho biết, ước tính nếu làm ra được loại thuốc mới thì nước ngoài phải chi khoảng 100 triệu USD. Còn ở mình, tìm ra thuốc mới có thể được, nhưng đăng ký rất khó khăn. Nếu tính chi phí cũng phải tiêu tốn từ 3-5 tỷ đồng mới có được một loại thuốc mới đúng nghĩa, rồi công nghệ bào chế nói chung cách xa thế giới quá nhiều. Trong khi thế giới đã tiệm cận đến những công nghệ hiện đại nhất thì ta vẫn cứ “nồi niêu soong chảo” để chế biến thì làm sao đuổi kịp được.

Hiện ông đang giúp một số công ty dược để cho ra các sản phẩm tiêu dùng trong nước. Các sản phẩm của Việt Nam chủ yếu là xuất khẩu thô, dùng thô, chưa ai nghĩ đến việc có thể làm ra sản phẩm tinh như artemisinin xuất khẩu ra thế giới.

“Tôi đi dự hội thảo của Bộ Y tế về người Việt dùng hàng Việt, người ta có báo cáo mỗi năm Việt Nam xuất khẩu 45 triệu USD tiền thuốc. Chỉ riêng artemisinin đã chiếm đến 20 triệu USD rồi”.

“Mỗi người có một quan điểm nghiên cứu khác nhau. Từ xưa tôi nghĩ, Việt Nam có nhiều tài nguyên, nếu chỉ đào lên bán thô thì giá trị thấp, tự mình thấy xót. Nhiều cây thuốc, nhiều sản phẩm nếu được chế biến thì giá trị tăng lên rất nhiều. Phần nghiên cứu hàn lâm đã được nhiều người làm, tôi không có mong muốn làm tiến sỹ khoa học làm gì cho cao siêu. Tôi chỉ muốn làm ra những sản phẩm tốt đáp ứng nhu cầu của xã hội. Mục đích là thế, nhưng chưa thực hiện được nhiều. Một mình mình không làm được hết mà cần phải có một đội ngũ đông đảo, bắt tay cùng làm thì mới đến nơi đến chốn được” - PGS-TS Phạm Gia Điền tâm sự.

“Tôi rất tiếc vì nhiều khi có tiền nhưng nó cứ chảy đi đâu ấy, khi đến tận tay nhà khoa học chỉ còn lại rất ít, nên những sản phẩm đáng lẽ có thể giúp ích nhiều cho đời sống thì lại phải xếp vào ngăn kéo” - đó là điều mà PGS-TS Phạm Gia Điền chia sẻ.

Trăn trở công nghệ, lỡ nhịp làm giàu

Làm khoa học chủ yếu là đam mê, nhưng cũng có thể làm giàu. “Tôi chỉ cần nghiên cứu được một loại thuốc, sau đó tìm cách đưa nó ra thị trường thì chắc là giàu. Nhưng tôi không làm vậy. Tôi chỉ nghiên cứu bài thuốc này rồi lại “nhảy” sang bài thuốc khác. Đến lúc công việc có thể kiếm ra tiền thì người khác làm.Tôi chỉ đam mê làm sao để có công nghệ lấy được dược liệu từ cây cỏ ra làm thuốc, tránh phí phạm tài nguyên và giúp ích cho sức khoẻ người dân” - ông Điền nói.

Ông cho biết, ở nước ngoài khi nhà khoa học chứng minh được một cây có thể làm thuốc thì sẽ có công ty phía sau hỗ trợ và mua bản quyền với giá cao rồi đưa vào ứng dụng trong cuộc sống. Còn ở Việt Nam, quá trình này còn thiếu và yếu. Các nhà khoa học và công ty dược chưa có mối liên hệ tốt. Giai đoạn chuyển từ phòng thí nghiệm sang khâu sản xuất càng yếu hơn. Bên cạnh đó, công nghệ chưa đi đôi với thiết bị. Nhiều khi công nghệ đã có nhưng thiết bị quá đắt tiền, không thể mua được nên công nghệ chỉ dừng lại ở quy mô phòng thí nghiệm hoặc khá hơn thì ở vài dây chuyền sản xuất nhỏ lẻ.

Hiện ông đang làm về tỏi đen, đông trùng hạ thảo… Về công nghệ, có thể làm chủ được ở khâu nào, ông truyền đạt lại cho các thế hệ nhà khoa học trẻ ở khâu đó. Trong các hội đồng khoa học nghiệm thu đề tài nghiên cứu, ông luôn quyết liệt bênh vực những người trẻ nếu đề tài nghiên cứu đó thể hiện tính sáng tạo, có khả năng ứng dụng cao, để họ ra được sản phẩm cuối cùng.

Ở tuổi 65, ông vẫn làm việc không ngừng nghỉ. Ông mong mỏi đến một lúc nào đó, giới khoa học Việt Nam có thể làm chủ được công nghệ để tận dụng được tài nguyên dược liệu phong phú trong nước.

PGS-TS Phạm Gia Điền sinh năm 1950. Năm 1973, ông tốt nghiệp Đại học Tổng hợp tại Liên Xô cũ. Năm 1989, ông bảo vệ thành công luận án tiến sĩ tại Viện Hàn lâm Bungari. Với những cống hiến và đóng góp không ngừng nghỉ của mình, năm 2004, ông được Nhà nước phong chức danh phó giáo sư. Hiện ông đang là Trưởng phòng Công nghệ các hoạt chất sinh học, Viện Hoá học thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam.
Một số công trình nghiên cứu của PGS-TS Phạm Gia Điền:
- “Hoàn thiện công nghệ và thiết bị chế tạo hạt nhựa tái sinh LLDPE từ chai truyền đã qua sử dụng”;
- “Nghiên cứu chế tạo hệ mang thuốc thông minh có kích thước nano chứa nano bạc, nano sắt từ và curcumin (Ag - Fe3O4 - Cur) nhằm tăng cường khả năng điều trị ung thư”;
- Thuốc chữa bệnh sốt rét từ cây thanh hao hoa vàng.
Các công nghệ, sản phẩm đã được ứng dụng: Công nghệ tách rutin từ nụ hòe; công nghệ chiết xuất dầu gấc; công nghệ chiết tách artemisinin từ cây thanh hao hoa vàng.