Ngoài thế mạnh là cây cà phê, những năm gần đây, huyện Lâm Hà đã có nhiều chính sách khuyến khích người nông dân đa dạng hóa các loại cây trồng như phát triển rau, hoa theo hướng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đã giúp người nông dân nâng cao thu nhập.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm S (bìa phải) thăm mô hình trồng hoa giúp gia đình anh Phạm Ngọc Phương vươn lên làm giàu
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm S (bìa phải) thăm mô hình trồng hoa giúp gia đình
anh Phạm Ngọc Phương vươn lên làm giàu.

Làm giàu từ nông nghiệp công nghệ cao

Các mô hình sản xuất rau, hoa công nghệ cao ngày càng xuất hiện nhiều và đã mang lại thu nhập đáng kể cho nông dân ở Lâm Hà, cao hơn gấp nhiều lần so với cây cà phê. Anh Nguyễn Văn Tuy ở thôn Đông Anh 4, thị trấn Nam Ban là một trong những hộ nông dân đầu tiên trồng hoa theo hướng công nghệ cao tại đây cho biết: Trước kia, anh trồng cà phê, nguồn thu nhập của gia đình không ổn định vì giá cả năm được, năm mất. Từ năm 2011, anh quyết định chuyển 2.000m2 đất trồng cà phê sang trồng hoa cẩm chướng trong nhà kính, nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất, mà hoa của gia đình sinh trưởng và phát triển khá tốt và đạt chất lượng không thua gì hoa được trồng ở Đà Lạt. Vì vậy, thu nhập của gia đình ổn định hơn, mỗi tháng từ vườn hoa đồng tiền, gia đình thu nhập 15 - 20 triệu đồng (đã trừ chi phí đầu tư và công lao động), do đó, năm 2014, anh tiếp tục mở rộng thêm 1.000m2 để trồng hoa.

Tương tự, tại Nam Hà, sau nhiều năm trăn trở tìm hướng đi để phát triển kinh tế gia đình, năm 2012, gia đình anh Phạm Ngọc Phương đã mạnh dạn chuyển đổi 4 sào cà phê để trồng hoa công nghệ cao. Anh chia sẻ: Gia đình anh có tổng diện tích 2ha đất sản xuất, trước đây, anh trồng độc canh cây cà phê, một năm thu 6 tấn cà phê, với giá cà phê dao động từ 30.000 - 40.000đ/kg, thì trừ hết chi phí cũng chỉ có lời trên dưới 200 triệu đồng, nhưng bắt đầu từ năm 2012, anh quyết định đầu tư nhà kính để trồng hoa đồng tiền và cẩm chướng. Do được trồng và chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật nên vườn phát triển tốt, bông hoa to và màu sắc đẹp mắt.

Bên cạnh đó, đầu ra cho loại hoa này rất ổn định, trung bình một bông hoa có giá từ 1.500 đến 2.000 đồng (tùy thời điểm). Chỉ với diện tích 4.000m2, thu nhập trung bình hàng năm từ vườn hoa (sau khi đã trừ chi phí) của gia đình anh Phương đạt khoảng gần 300 triệu đồng. “Thấy hiệu quả, năm 2015, anh Phương cùng 10 hộ nông dân tại địa phương thành lập Hợp tác xã rau, hoa công nghệ cao Nam Hà, cùng nhau liên kết sản xuất, tìm kiếm đầu ra, trao đổi những kinh nghiệm cũng như các kỹ thuật trồng hoa công nghệ cao”, anh Phương cho biết.

Mở rộng diện tích

Với ưu thế phát triển sản xuất nông nghiệp ở một số xã như Mê Linh, thị trấn Nam Ban, xã Đông Thanh, Nam Hà là những xã giáp ranh với Đà Lạt, có điều kiện về khí hậu, đất đai tương đối thuận lợi với nghề trồng rau, hoa. Bắt đầu từ năm 2010, Phòng Nông nghiệp huyện Lâm Hà xây dựng 3 mô hình trồng hoa với diện tích 1,5ha nhà kính cùng với 6ha nhà lưới tại thị trấn Nam Ban.

Qua từng năm diện tích không ngừng được mở rộng, đem lại thu nhập cao cho người nông dân. Đến nay toàn huyện đã có 150ha sản xuất rau, hoa theo hướng công nghệ cao. Ông Tạ Quang Việt, Chủ tịch hội Nông dân xã Nam Hà cho biết: “Từ năm 2010 trở lại đây, mô hình rau, hoa công nghệ cao trên địa bàn xã đã khẳng định được hiệu quả kinh tế cao nên nhiều hộ nông dân trong xã đã mạnh dạn đầu tư về vốn, kỹ thuật để phát triển thêm các diện tích rau hoa. Từ ba hộ với hơn 1ha rau hoa năm 2009, đến năm 2015, toàn xã Nam Hà có khoảng gần 30 hộ nông dân tham gia sản xuất với trên 30ha rau hoa sản xuất theo hướng công nghệ cao. Trong đó, có 4ha trồng hoa trong nhà kính. Với điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu hiện nay ở xã Nam Hà rất thích hợp để phát triển các loại rau, hoa nói trên, trung bình 1ha cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm, cao hơn rất nhiều lần so với trồng cà phê hoặc một số cây công nghiệp khác”.

Ông Trương Quốc Khánh, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Lâm Hà cho biết: “Để phát triển các diện tích rau, hoa công nghệ cao ở địa phương theo hướng bền vững; chính quyền, ngành chức năng địa phương đã triển khai nhiều biện pháp tích cực như định hướng, tuyên truyền cho bà con nông dân về một số loại rau, hoa phù hợp với chất đất và có giá cao, dễ tiêu thụ. Đồng thời, tổ chức các buổi tham quan, hội thảo, phối hợp với các nhà khoa học để hướng dẫn, tập huấn về kỹ thuật trồng, chăm sóc các loại rau, hoa theo hướng công nghệ cao, tiến hành thành lập các hợp tác xã trồng rau, hoa để hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau về vốn, kỹ thuật sản xuất, chủ động tìm kiếm thị trường tiêu thụ, ổn định đầu ra, giúp bà con nông dân tiếp cận với các nguồn vốn vay ưu đãi trong sản xuất nông nghiệp…

Qua thực tế có thể khẳng định, sản xuất nông nghiệp công nghệ cao đã góp phần làm giàu chính đáng cho người nông dân, đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Để nghề trồng rau, hoa của Lâm Hà khởi sắc và cho thu nhập ổn định, hàng năm, UBND huyện cũng trích ngân sách địa phương hàng trăm triệu đồng mỗi năm để hỗ trợ nông dân trồng hoa công nghệ cao trong nhà lưới, nhà kính, tạo điều kiện thuận lợi giúp nông dân địa phương bắt đầu tiếp cận với nghề trồng hoa cũng như tìm kiếm thị trường ổn định cho việc tiêu thụ sản phẩm hoa - nhất là với hoa cắt cành của người nông dân. Mục tiêu phấn đấu của huyện đặt ra, đến năm 2020, mở rộng diện tích nhà kính, nhà lưới sản xuất rau, hoa công nghệ cao đạt 300ha”.