Vào mùa này, mỗi khi triều cường xuống thấp, người dân ở các vùng biển Quỳnh Lưu lại ra dọc bãi biển để nhặt hàu - công việc không phải đầu tư mà cho thu nhập cao.

Bãi triều là nơi nuôi và phát triển hàng trăm ha diện tích ngao của bà con xã Quỳnh Thọ và Sơn Hải. Mỗi khi triều cường xuống, mực nước cách bờ chừng 3-4 km là lúc người dân tiến hành thu hoạch ngao; đồng thời đây là cơ hội để người dân xuống biển nhặt con hàu - ví như “thần dược” cho đàn ông.

 Người dân xã Quỳnh Thọ vào mùa săn tìm “thần dược
Người dân Quỳnh Thọ vào mùa săn tìm "thần dược" biển. Ảnh: Việt Hùng

Bà Hồ Thị Viên ở xóm Thọ Tiến, xã Quỳnh Thọ năm nay hơn 70 tuổi nhưng vẫn tranh thủ ra bãi triều để nhặt hàu về bán.

“Nghề này không phải đầu tư gì cả, cứ khi triều cường xuống là chúng tôi đi. Nhiều hôm gặp may, khoảng 3-4 tiếng nhặt được gần chục kg hàu, sau khi gỡ ruột ra bán cho thu nhập 700 nghìn đồng, còn lại ngày bình thường 200 - 300 nghìn đồng” - bà Viên cho biết.

Bắt đầu từ tháng 3 dương lịch, con hàu trong giai đoạn sinh trưởng, phát triển mạnh nên hầu hết người dân chờ lúc triều xuống để săn tìm. Hàu thuộc hệ nhuyễn thể, họ hàng nghêu sò sống có thể ăn các sinh vật phù du và các sinh vật trong bùn, cát, nước biển nên chúng thường hay sống ở biển, các cửa sông, ghềnh đá. Để săn tìm, người dân thường sử dụng dụng cụ như chiếc búa sắt hình chữ T nhọn 2 bên đầu, dao, bao bì để đựng.

Chị Phạm Thị Thắng thu được thành quả với 7 kg hàu, thu nhập hơn 600 nghìn đồng/4 tiếng nhặt tìm. Ảnh Việt Hùng
Chị Phạm Thị Thắng thu được thành quả với 7 kg hàu, thu nhập hơn 600 nghìn đồng sau 4 tiếng săn tìm. Ảnh: Việt Hùng

Vui mừng vì chuyến săn tìm được nhiều hàu, chị Phạm Thị Thắng cho biết, một mình chị nhặt được 7 kg hàu trong 4 tiếng (từ 12h trưa đến 4 giờ chiều). Ở bãi triều nuôi ngao này, hàu thường hay bám ở các tấm lưới chắn ngao, các chân cột gỗ làm chòi canh ngao; phần còn lại là nằm dưới lớp cát biển ăn sinh vật để sống.

“Nhiều năm nay, con hàu được người dân ưa chuộng bởi thịt hàu có nhiều chất dinh dưỡng, đặc biệt hàu sống tự nhiên ở biển càng ngon và bổ dưỡng hơn rất nhiều so với hàu ở các sông, lạch; do đó, hàu được thu mua với giá cao. Sau khi chúng tôi tìm nhặt hàu về, gỡ thịt ra và bán tại chợ với giá từ 80 - 100 nghìn đồng/kg; vào các ngày lễ giá được đẩy lên cao 120 - 150 nghìn đồng/kg”, chị Thắng cho biết.

Theo người dân, mùa tìm nhặt hàu thường bắt đầu từ tháng 3 dương lịch và kéo dài đến tháng 7. Việc săn tìm hàu phụ thuộc vào triều cường lên xuống; cứ 1 tháng, triều cường có thể xuống từ 8 - 10 lần; có những lần xuống 2-3 ngày rồi triều cường mới lên. Với công việc không vất vả lắm nhưng bà con ở đây lại kiếm được nguồn thu nhập khá cao từ biển mang lại. Bình quân mỗi tháng đi săn tìm đều đặn, người dân có thu nhập 4-5 triệu đồng; có lúc gặp may sẽ được nhiều hơn.

Thịt hàu được gỡ từ vỏ ra có giá 80- 100 nghìn đồng/kg. Ảnh Việt Hùng Thịt hàu được gỡ từ vỏ ra có giá 80- 100 nghìn đồng/kg. Ảnh Việt Hùng
Thịt hàu được gỡ từ vỏ ra có giá 80 - 100 nghìn đồng/kg. Ảnh: Việt Hùng

Hiện nay, ngoài săn tìm hàu dưới biển, hàng trăm hộ dân ở xã An Hòa đã tự nuôi hàu trên sông Mai Giang để ăn sinh vật trong bùn.

Theo y học cổ truyền, thịt hàu có vị ngọt hơi mặn, tính mát, không độc, tác dụng tráng dương, bổ tinh, tư âm dưỡng huyết, ăn vào trị được chứng mất ngủ do nhiệt, người nóng khô khát, hoa mắt, chóng mặt, phụ nữ rối loạn tiền mãn kinh. Phụ nữ sau sinh thiếu sữa, thiếu máu ăn hàu rất tốt.Đặc biệt hơn, thịt hàu chứa nhiều kẽm và không “hổ danh” là trợ thủ đắc lực của đàn ông. Bổ sung kẽm là điều cần thiết để cho tinh trùng khỏe mạnh và phòng tránh các vấn đề vô sinh ở đàn ông.