Vừa qua, Sở KH&CN Nam Định đã kiểm tra thực tế gieo ươm và trồng cây bần không cánh tại Vườn Quốc gia Xuân Thủy nằm trong khuân khổ đề tài: “Nghiên cứu xây dựng quy trình gieo ươm và trồng cây bần không cánh (Sonneratia apetala) góp phần phục hồi và phát triển hệ sinh thái rừng ngập mặn ven biển tỉnh Nam Định’’.


Qua trao đổi, Ông Ngô Văn Chiều - Chủ nhiệm đề tài cho biết do biến đổi khí hậu, cùng mức sụt lún hàng năm, vùng ven biển Nam Định sẽ chịu tác động rất lớn của mực nước biển dâng. Sự thay đổi dòng chảy, các hiện tượng thời tiết cực đoan xuất hiện nhiều, mực nước biển dâng cao kết hợp với triều cường và sóng biển sẽ ảnh hưởng ngày một nhiều hơn tới diện tích rừng ngập mặn tại khu vực. Các loài cây ngập mặn nếu không thích ứng kịp với những tác động bất lợi này có thể sẽ chết hoặc suy giảm sự sinh trưởng. Trong suốt nhiều năm qua, Vườn quốc gia Xuân Thủy đã thực hiện nhiều nghiên cứu nhằm tìm tòi và lựa chọn ra loài cây ngập mặn phù hợp cho khu vực. Khi nghiên cứu sinh trưởng của Bần không cánh trồng ở huyện Giao Thủy, Tỉnh Nam Định cho thấy: Bần không cánh trồng ở nơi có độ mặn tương đối cao, độ ngập triều nông, thời gian ngập triều ngắn, do đó các chỉ sổ về tỷ lệ sống cao hơn so với khu vực có độ mặn thấp, mức độ ngập triều sâu và thời gian ngập triều dài. Do đó cây Bần được đánh giá là một loài cây ngập mặn có ưu thế về sinh khối, sinh thái, thích ứng tốt với biến đổi khí hậu và có thể đáp ứng tốt nhiều mục đích của dải rừng ngập mặn ven biển tỉnh Nam Định. Tuy nhiên nguồn giống cây Bần không cánh phục vụ cho hoạt động trồng và phục hồi rừng ngập mặn ven biển hiện nay khá hạn chế, nếu chỉ chờ tái sinh tự nhiên sẽ không thể đáp ứng nhu cầu trồng cây tôn tạo cảnh quan môi trường và phòng hộ ven biển của tỉnh Nam Định. Chính vì vậy, thực hiện đề tài khoa học “Nghiên cứu xây dựng quy trình gieo ươm và trồng cây bần không cánh (Sonneratia apetala) góp phần phục hồi và phát triển hệ sinh thái rừng ngập mặn ven biển tỉnh Nam Định” là rất cần thiết và cấp bách, góp phần tạo ra nguồn cây giống Bần không cánh ổn định, đủ tiêu chuẩn, chất lượng để đáp ứng nhu cầu trồng và phục hồi hệ sinh thái rừng ngập mặn cũng như tôn tạo cảnh quan, môi trường sinh thái trong khu vực.

Qua quá trình kiểm tra thực tế gieo ươm và trồng cây bần không cánh tại Vườn quốc gia Xuân Thủy, Đồng chí Trần Huy Quang đánh giá cao và ghi nhận sự thành công bước đầu của mô hình trồng rừng thử nghiệm cũng như các kỹ thuật nhằm ươm giống cây con chất lượng tốt. Đồng chí Phó giám đốc sở cũng mong muốn lãnh đạo và cán bộ Vườn quốc gia Xuân Thủy sẽ tiếp tục nghiên cứu và có nhiều ý tưởng hơn nữa để bảo tồn hệ sinh thái rừng ngập mặn ven biển tỉnh Nam Định.