Nếu bạn nói với những người sản xuất nước mắm Phú Quốc (Kiên Giang) rằng “muối nào chẳng là muối, giống nhau cả thôi”, chắc chắn họ sẽ không đồng ý.

Họ khẳng định nếu sử dụng loại muối khác với muối Bà Rịa (huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), nước mắm sẽ không đảm bảo vị ngọt hậu, béo tự nhiên và màu cánh gián lý tưởng.

Nét khác biệt của muối Bà Rịa

Bà Nguyễn Thị Tịnh - chủ nhà thùng Thanh Quốc (Kiên Giang) - cho biết, bao đời nay, những người làm nước mắm ở Phú Quốc đã mặc định sử dụng muối Bà Rịa để ướp cá. Muối theo chân ngư dân ra khơi để ủ chượp ngay giữa biển. “Có năm muối Bà Rịa thiếu, chúng tôi phải dùng một loại muối nổi tiếng khác, nhưng nước mắm không đảm bảo về chất lượng, hậu vị chát, váng phèn nổi trên mặt. Chỉ có muối Bà Rịa mới cho ra thứ nước mắm màu đỏ cánh gián với hậu vị ngọt, béo tự nhiên” - bà Tịnh nói.

Ông Chế Đình Huê - diêm dân thị trấn Long Điền, huyện Long Điền - phân tích: “Muối Bà Rịa được sản xuất theo phương pháp phơi nước trên nền da rong tự nhiên, ưu thế thổ nhưỡng địa phương và khí hậu đặc trưng. Hạt muối nhỏ, rắn chắc, sắc cạnh, mang màu trắng xám sáng, không có ánh vàng”.

Da rong là lớp rong trên nền ô kết tinh muối được phơi khô rồi cán xẹp xuống tạo thành lớp da phủ trên bề mặt ruộng, ngăn muối tiếp xúc với nền đất sét bên dưới. Vụ muối ở Bà Rịa - Vũng Tàu kéo dài từ tháng 9 - 10 âm lịch năm trước đến khoảng cuối tháng 3 âm lịch năm sau - thời kỳ không có mưa, nắng nóng kéo dài.

Diêm dân Long Điền thu hoạch muối. Ảnh: Anh Quốc

Bà Rịa - Vũng Tàu đang hoàn thiện hồ sơ xin cấp chỉ dẫn địa lý (CDĐL) cho muối Bà Rịa. Người phụ trách dự án này, ông Nguyễn Anh Quốc - Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - cho biết: “Một sản phẩm muốn được bảo hộ CDĐL phải chỉ ra được đặc thù sản phẩm do nguồn gốc địa lý mang lại. Với muối, rất khó để chỉ ra sự khác biệt nếu nhìn bằng mắt thường. Việc muối Bà Rịa là nguyên liệu cho nước mắm Phú Quốc là yếu tố vô cùng quan trọng, giúp chúng tôi có cơ sở chỉ ra sự khác biệt. Người làm nước mắm bao đời nay ở Phú Quốc luôn phân biệt được muối Bà Rịa với muối các vùng khác”.

Cần khắc phục tình trạng manh mún

Muối Bà Rịa tiêu chuẩn là muối được sản xuất tại hai xã An Ngãi và Phước Hưng - thị trấn Long Điền, với diện tích hơn 500ha, sản lượng 70-90 tấn/ha. Ông Huê cho biết gia đình ông có 4ha muối, sản lượng lượng từ 350-400 tấn/năm. Với giá thu mua 700 đồng/kg, mỗi kilôgram muối cho lãi 300 đồng.

Theo ông Nguyễn Anh Quốc, do chất lượng đặc biệt nên giá muối Bà Rịa luôn cao hơn hơn sản phẩm khác từ 100-200 đồng/kg. “Khi được cấp CDĐL, thương hiệu muối Bà Rịa sẽ được nâng lên, khẳng định chất lượng đặc thù và thu nhập của diêm dân cũng được nâng cao. Hiện hồ sơ sắp được hoàn thiện để nộp Cục Sở hữu trí tuệ.

Trước đó, tỉnh đã tổ chức hội thảo lấy ý kiến các nhà khoa học, nhà sản xuất để hoàn thiện báo cáo khoa học - thực tiễn phục vụ viết mô tả. Sắp tới, tỉnh sẽ có nhiều dự án thu hút các nhà máy chế biến muối vào Bà Rịa. Tỉnh cũng đang xây dựng cơ sở hạ tầng hỗ trợ ngành muối phát triển cả về chất lượng và số lượng” - ông Quốc nói.

Ông Huê hy vọng tình trạng sản xuất manh mún sẽ được khắc phục: “Hiện nay nhà thì có 1 mẫu muối, nhà có 5-7 sào nên chất lượng kém đồng bộ. Nếu hợp nhất thành hợp tác xã với những cánh đồng lớn thì sản phẩm sẽ có chất lượng đồng nhất, CDĐL khi được cấp mới phát huy thế mạnh để xây dựng thương hiệu và đảm bảo lợi nhuận cho diêm dân”.