Thời tiết thay đổi thất thường khiến vụ lúa ĐX của bà con nông dân xã Sa Nghĩa (Sa Thầy, Kon Tum) gần như mất trắng.

So với bình thường, năng suất lúa giảm mạnh 80 – 90% vì không có hạt hoặc hạt lép. Dù không mấy mặn mà nhưng người dân vẫn cố gắng vớt vát được chừng nào tốt chừng đó. Thậm chí có hộ gia đình lúa gặt về chỉ để cho... bò ăn.

17-25-06_1
Mất mùa là tình hình chung của bà con nông dân ở xã Sa Nghĩa

Cũng như nhiều địa phương khác, bà con nông dân ở xã Sa Nghĩa đang bước vào thu hoạch lúa ĐX. Tuy nhiên, khác với vẻ hồ hởi vì mùa màng bội thu như những năm trước thì năm nay một không khí trầm buồn bao trùm cả xã. Theo thống kê của Phòng NN- PTNT huyện Sa Thầy, vụ ĐX năm nay có khoảng 6,2 ha lúa bị giảm năng suất từ 80- 90% cùng hàng chục hecta bị giảm năng suất từ 40- 60%.

Tiếp chuyện chúng tôi, anh Nguyễn Thanh Long (thôn Hòa Bình, xã Sa Nghĩa) buồn bã nói: “Vụ này, gia đình tôi sạ500m2 lúa nước. Lúc đầu lúa phát triển rất tốt. Vậy mà đến thời điểm trổ bông cả ruộng lúa có hiện tượng khô cổ bông khiến lúa khôngkết hạt. Tôi đã phun thuốc đạo ôn cổ bông, nhưng đến lúc thu hoạch, diện tích trên vẫn giảm năng suất từ 70-80%. Cả gia đình 4 nhân khẩu chỉ trông chờ vào diện tích lúa này giờ mất mùa”.

Không riêng gì nhà anh Long, mà gần như tất cả các hộ dân ở xã Sa Nghĩa cũng chung hoàn cảnh. Tất cả ruộng lúa trên cánh đồng lớn ở đây không ít thì nhiều đều có hiện tượng đầu tiên là khô bông, lép hạt thậm chí có những bông lúa chỉ vài hạt chắc. Không một ai lý giải được nguyên nhân vì saoruộng lúa lại như thế. Biết thu hoạch chẳng được bao nhiêu nhưng người dân vẫn cố gắng thu mong vớt vát lại phần nào.

Ông Nguyễn Tấn Lực (50 tuổi, ngụ thôn 2, xã Sa Nghĩa) cho biết: “Hai sào lúa của gia đình tôi năm nay giảm năng suất trầm trọng. Nếu như các năm trước, với diện tích này thu được gần 20 bao lúa khô thì năm nay coi như mất trắng. Bao nhiêu công sức, tiền phân bón thành công cốc cả rồi. Đã thế giờ còn tốn thêm tiền thuê nhân công nhưng gặt xong cũng chỉ để cho bò ăn chứ biết làm gì khác”.

17-25-06_2
Năng suất lúa ở xã Sa Nghĩa có nơi giảm từ 80 – 90%

Trước tình hình trên, ông Nguyễn Văn Minh - Chủ tịch UBND xã Sa Nghĩa cũng tỏ ra lo lắng. Theo ông Minh hầu hết các hộ dân trên địa bàn xã Sa Nghĩa chỉ có từ 1 -2 sào lúa, mỗi năm cấy 2 vụ đủlương thực trong cả năm. Năm nay mất mùa nên cuộc sống của nhiều hộ dân sẽ bị ảnh hưởng rất lớn. Nguy cơ thiếu lương thực là rất cao.

Bà Tạ Thị Diệu, Phó trưởng Phòng NN- PTNT huyện Sa Thầy cho biết: “Nguyên nhân lem lép hạt là do khi lúa đang đứng cái làm đòng gặp thời tiết bất thường, ngày nóng đêm lạnh, cây lúa không thích nghi kịp nên không kết hạt. Cùng với đó, giai đoạn lúa trổ bông trên địa bàn xã Sa Nghĩa xảy ra nhiều trận mưa dông lớn khiến cây lúa không thể thụ phấn, phơi màu”.