“Canh tác bằng lối thông thường, cây phụ thuộc vào mùa vụ, thời tiết, chất đất. Công nghệ cao khắc phục được những hạn chế này và cho năng suất cao, chất lượng đảm bảo” - ông Nguyễn Duy Liêm nói về mô hình trồng ớt giúp ông lãi 80 triệu đồng/tháng.

Công nghệ cho năng suất cao, giảm chi phí

Ông Nguyễn Duy Liêm - sống ở phường 8, thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng - là chủ 4 sào trồng ớt chuông bằng công nghệ VietGap trong mô hình thử nghiệm thuộc đề tài “Ứng dụng công nghệ sinh học trong bảo vệ thực vật sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP tại tỉnh Lâm Đồng” từ năm 2013.

Theo tổng kết của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng, tổng chi cho vườn áp dụng mô hình trên chỉ hơn 399 triệu đồng/ha, trong khi vườn đối chứng theo cách canh tác thông thường tốn hơn 403 triệu đồng/ha.

Ông Nguyễn Duy Liêm giới thiệu về mô hình trồng ớt chuông của gia đình mình. Ảnh: PN

Trong khi đó, năng suất vườn mô hình là 59.080kg/ha, so với vườn đối chứng là 58.710kg/ha. Thu nhập cho vườn mô hình chênh lệch gần 42 triệu đồng/ha so với vườn đối chứng. Tuy nhiên, thực tế của hộ gia đình ông Nguyễn Duy Liêm cho thấy mô hình mới có tỷ lệ tăng năng suất cao hơn cả báo cáo trên.

Ông cho biết trước đây vẫn thường xuyên trồng rau, ớt chuông và cả hoa, nhưng chỉ áp dụng kỹ thuật canh tác thông thường, nghĩa là mùa nào trồng thức đó, dùng phân bón hóa học để chăm sóc cây và phun thuốc bảo vệ thực vật trừ sâu bệnh.

“Cách làm này khiến chi phí sản xuất cao hơn, nhưng chưa chắc đã thắng vì còn phụ thuộc vào thời tiết, có khi gặp mưa gió bị mất mùa, hoặc rau bị sâu bệnh vì dùng thuốc hóa học nhiều dẫn đến kháng thuốc. Cụ thể, nếu dùng phân hóa học, mỗi sào phải rải 50-70kg phân bón, giá khoảng 20.000 đồng/kg. Tôi dùng giàn nhỏ giọt thì chỉ cần 10kg phân loại tốt, tuy giá phân đắt gấp rưỡi nhưng tính ra chi phí vẫn thấp hơn, mức độ độc hại giảm mà năng suất cao hơn 30% so với bình thường” - ông Liêm nói.

Nói thêm về lợi ích của việc ứng dụng công nghệ cao, bà Huỳnh Thị Ngọc Trâm - vợ ông Liêm - cho biết, nếu dùng phân hóa học nhiều, phân tồn trong đất lâu ngày sẽ thành muối, làm cho đất bị chai.

“Ớt ngọt không thể trồng được ngoài trời vì nấm bệnh rất nhiều. Trước đây chúng tôi không kiểm soát được thời tiết, sâu bệnh, nhưng nay chủ động hơn nhờ ứng dụng công nghệ cao” - bà Trâm khẳng định.

Kiếm 20 triệu đồng/sào ớt mỗi tháng

Ông Trần Điệp - Phòng Phân tích kiểm tra chất lượng sản phẩm nông nghiệp, Chi cục Bảo vệ thực vật, đơn vị triển khai đề tài - cho biết khi tham gia mô hình, các hộ gia đình được cán bộ kỹ thuật hướng dẫn cách làm nhà giàn để canh tác ớt chuông, rau, hoa. Với mỗi sào đất, chi phí nhà giàn kiên cố cộng với hệ thống giàn ống tưới nhỏ giọt theo công nghệ của Israel hết khoảng 250 triệu đồng.

Với 4 sào trồng ớt chuông, nhà ông Liêm đầu tư ban đầu hết 1 tỷ đồng. Mỗi sào cho doanh thu 30 triệu đồng/tháng, đem lại thu nhập 20 triệu đồng/tháng sau khi trừ chi phí, tổng 4 sào thu 80 triệu đồng/tháng. Nếu sản phẩm luôn được giá, họ sẽ mất 3 năm để thu hồi vốn đầu tư ban đầu. Điều quan trọng là hiện nay vợ chồng ông có thể hướng dẫn vanh vách cho bà con cách ứng dụng công nghệ cao vào trồng rau, hoa.

Ông Trần Điệp cho biết, trồng ớt chuông bằng công nghệ VietGap chỉ là 1 trong 3 mô hình ứng dụng công nghệ sinh học vào canh tác thành công, bên cạnh mô hình trồng bắp cải và khoai tây. Mô hình trồng bắp cải dùng thuốc sinh học, thuốc có độ độc thấp, thời gian cách ly ngắn, số lần sử dụng thuốc bảo vệ thực vật ít hơn vườn đối chứng nhưng năng suất thu hoạch cao hơn vườn đối chứng 9%, giá bán sản phẩm cao hơn 400 đồng/kg.

“Tuy chi phí đầu tư ở vườn mô hình cao hơn vườn của đối chứng, nhưng năng suất và giá sản phẩm cao hơn. Kết quả là vườn mô hình lãi hơn 197 triệu đồng/ha, trong khi vườn đối chứng chỉ lãi hơn 166 triệu đồng/ha, chênh nhau gần 31 triệu đồng/ha” - ông Điệp cho biết.

Hiện ở Đà Lạt có nhiều hộ gia đình tự học nhau cách canh tác theo công nghệ mới, nhưng cái khó mà bà con đang gặp phải là đầu ra cho sản phẩm.

“Hiện rất nhiều người dân đã nắm bắt được quy trình sản xuất rau an toàn theo VietGAP, thực hiện ghi chép đầy đủ để đảm bảo tính truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Tuy nhiên, hiện đầu ra của sản phẩm vẫn gặp nhiều khó khăn, không có sự cam kết đầu ra nên chúng tôi vẫn chịu bấp bênh theo giá thị trường” - ông Liêm cho biết.

Đó cũng là băn khoăn của nhiều hộ sản xuất khác. Bà con mong mỏi các cơ quan chức năng như Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công Thương… có hướng hỗ trợ để những người ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất có đầu ra ổn định hơn.