Sau gần một năm triển khai thử nghiệm, mô hình đê trụ rỗng tiêu giảm sóng đã phát huy hiệu quả khi giảm được sóng dữ gây sạt lở ven biển Cà Mau.

Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải khảo sát công trình thí điểm.
Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải khảo sát công trình thí điểm.

Đó là nội dung chính được đề cập tại hội thảo đánh giá hiệu quả giải pháp công trình đê trụ rỗng tiêu giảm sóng, được UBND tỉnh Cà Mau và Viện Thủy công tổ chức sáng ngày 27-10. Tham dự còn có đại diện các cơ quan Trung ương, các trường, viện nghiên cứu và nhiều nhà khoa học…

Cuối năm 2016, Viện Thủy công nghiên cứu, đề xuất thực hiện thí điểm 180m đê trụ rỗng ven biển tây Cà Mau, đoạn từ Vàm Đá Bạc đến Cống Kênh Mới (thuộc xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời). Qua thời gian theo dõi, quan sát cho thấy, khi sử dụng mô hình chống sạt lở nêu trên, sóng biển tác động vào mặt đê bị hấp thụ qua các lỗ rỗng và tiêu tán năng lượng khoảng 70% trong bụng đê, chiều cao sóng leo qua mặt đê giảm, không hình thành sóng mới sau đê. Trong chuyến khảo sát thực tế vào giữa tháng 10 vừa qua của cơ quan chức năng cho thấy, lượng phù sa lắng đọng lại bên trong đê trụ rỗng khá dày, tạo nên bãi bồi. Nơi đo được lớn nhất lên đến 1,1m và chiều dày trung bình 0,7m so với nền tự nhiên khi chưa có công trình. Tốc độ bồi lắng trung bình 15cm/tháng, khoảng 120cm/năm. Với tốc độ bồi như nêu trên, chỉ sau một năm khi cao độ bãi ổn định có thể trồng rừng phòng hộ.

Tại hội thảo, Tiến sĩ Trần Văn Thái, Phó Viện trưởng Viện Thủy công (chủ nhiệm đề tài) cho biết: Các tiêu chí đặt ra khi thực hiện đê trụ rỗng là tiêu sóng, giảm lực, kết cấu bền vững, giảm kinh phí và tạo nên tính linh hoạt trong di chuyển, có thể tái sử dụng và đoạn đê thí nghiệm đã thực hiện tốt các mục tiêu đề ra. Viện Thủy công tiếp tục hoàn thiện công nghệ này chống sạt lở nêu trên theo hướng giảm giá thành, đồng thời kiến nghị UBND tỉnh Cà Mau tiếp tục cho triển khai giải pháp công trình đê trụ rỗng tiêu giảm sóng trong việc phòng, chống xói lở ở ven biển Cà Mau trong thời gian tới.

Nhiều chuyên gia và nhà khoa học tham gia ý kiến tại hội thảo đã đánh giá cao tính hiệu quả mà mô hình đê trụ trỗng mang lại, nhưng lưu ý đơn vị thực hiện đề tài thực hiện song hành giải pháp giảm giá thành và nâng cao tuổi thọ của công trình, bảo đảm tính bền vững.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử cho biết, việc tìm giải pháp công trình chống sạt lở mang lại hiệu quả cao nhưng có suất đầu tư thấp là mục tiêu mà tỉnh Cà Mau tiếp tục theo đuỗi. Đối với công trình đê trụ rỗng, ông Sử đánh giá đã mang lại hiệu quả bước đầu khá ấn tượng khi vừa giảm được sóng tác động lên đê, có khả năng gây bồi nhưng công nghệ này có thể sản xuất được với quy mô công nghiệp với những vật liệu mới.

Thay mặt lãnh đạo tỉnh Cà Mau, ông Lê Văn Sử bày tỏ mong muốn Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam, các nhà khoa học tiếp tục quan tâm đến công nghệ đê trụ rỗng trong thời gian tới, góp phần giúp Cà Mau ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai có hiệu quả nhưng ít tốn kém. “Sau hội thảo, tỉnh Cà Mau sẽ báo cáo để các Bộ, ngành có liên quan tiếp tục cùng các nhà tài trợ hỗ trợ cho các địa phương, trong đó có tỉnh Cà Mau trong việc thực hiện các nhiệm vụ phòng, chống thiên tai trên cơ sở các sản phẩm mang lại hiệu quả” – ông Lê Văn Sử thông tin trước khi kết thúc hội thảo.

Cà Mau có chiều dài bờ biển hơn 250km. Do ảnh hưởng của triều cường, sóng dữ và Biến đổi khí hậu, tiến trình sạt lở ven biển Cà Mau ngày càng nghiêm trọng. Trong năm năm gần đây, bình quân mỗi năm ven biển Cà Mau mất hơn 400 ha đất vì sạt lở. Sạt lở còn làm mất nhiều đai rừng phòng hộ ven biển, làm hư hỏng nhà dân và làm hư hại nhiều công trình kiến trúc khác, đe dọa vỡ đê, xâm thực mặn tại vùng ngọt hóa phía bắc Cà Mau. Trước tình trạng sạt lỡ ngày càng nghiêm trọng, tỉnh Cà Mau đã dành hàng trăm tỷ đồng để thực hiện các giải pháp chống sạt lở nhưng đến nay, chỉ có mô hình kè li tâm gây bồi, tạo bãi trồng rừng và mô hình đê trụ rỗng tiêu giảm sóng là phát huy được khả năng chống sạt lở hữu hiệu.