Ông Lê Bá Thành - Phó Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn, nêu giải pháp nhằm khắc phục hạn chế trong việc sử dụng, bảo vệ và phát triển những thương hiệu đã được bảo hộ của Lục Ngạn, đặc biệt đối với sản phẩm vải thiều.

Sản phẩm có thương hiệu vẫn bị trà trộn

Đến nay, huyện Lục Ngạn đã có 7 thương hiệu nông sản và làng nghề được Nhà nước bảo hộ, bao gồm: vải thiều Lục Ngạn, mỳ Chũ, mật ong Lục Ngạn, cam Lục Ngạn, bưởi Lục Ngạn, gạo nếp Phì Điền, và rượu Kiên Thành. Trong đó, đặc biệt Lục Ngạn chiếm 2 trong tổng số 4 sản phẩm được bảo hộ ở nước ngoài của Bắc Giang là vải thiều Lục Ngạn (được bảo hộ tại 8 quốc gia: Mỹ, Nhật Bản, Singapore, Úc, Hàn Quốc, Trung Quốc, Lào, và Camphuchia) và mỳ Chũ (được bảo hộ tại 5 quốc gia: Nhật Bản, Hàn Quốc, Lào, Thái Lan, Campuchia). Đây cũng là những sản phẩm đã được cấp chỉ dẫn địa lý.

Thời gian gần đây, vùng cây ăn quả Lục Ngạn đã cơ bản khắc phục được tình trạng "được mùa rớt giá, được giá mất mùa" và thị trường ngày càng mở rộng. Chẳng hạn, vải thiều Lục Ngạn, ngoài chiếm lĩnh thị trường thị trường nội địa và thị trường Trung Quốc, còn được xuất khẩu sang Mỹ, Nhật Bản, Pháp, Hà Lan...

Các sản phẩm khác cũng có sản lượng ổn định như mật ong - trên 1.000 tấn/năm; phấn hoa vải thiều - 50 tấn/năm; cam, bưởi Lục Ngạn - trên 40.000 tấn/năm; mỳ Chũ có sản lượng 13.000 tấn/năm và hiện được xuất khẩu ra 13 nước trên thế giới.

Tuy nhiên, vấn đề sử dụng, bảo vệ và phát triển thương hiệu đã được bảo hộ của Lục Ngạn còn bộc lộ nhiều hạn chế. Mặc dù các sản phẩm đều đã được đăng ký nhãn hiệu độc quyền nhưng trên thực tế vẫn bị lợi dụng sử dụng tràn lan, dẫn đến hàng kém chất lượng trà trộn, bày bán cùng với những sản phẩm được bảo hộ, nhất là đối với sản phẩm vải thiều Lục Ngạn và mỳ Chũ.

Việc kiểm soát quá trình sản xuất và tạo dựng uy tín thương hiệu, công tác truyền thông với các sản phẩm được bảo hộ cũng còn cần tiếp tục hoàn thiện. Mạng lưới tiêu thụ sản phẩm hình thành mang tính tự phát, chưa có kế hoạch; hệ thống xử lý, phân loại, đóng gói, vận chuyển, tiêu thụ nhằm tạo ra các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, chất lượng sản phẩm đồng đều, sản xuất khép kín theo hướng bền vững chưa hình thành. Việc tiếp thị mở rộng thị trường còn lúng túng, phụ thuộc chủ yếu vào tư thương; sản lượng quả tươi xuất khẩu sang các thị trường cao cấp như Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ... còn thấp.

Người dân thu hoạch vải tại Lục Ngạn, Bắc Giang. Ảnh: Lê Hiếu

Hoàn thiện quy trình sản xuất, đẩy mạnh truyền thông

Để phát triển các sản phẩm đã được bảo hộ mang tính bền vững, đặc biệt đối với chỉ dẫn địa lý vải thiều Lục Ngạn, ông Lê Bá Thành - Phó Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn, cho rằng cần phải thực hiện 5 giải pháp sau:

Một là, ngay lập tức đẩy mạnh đổi mới hình thức tổ chức sản xuất, sớm chuyển cơ bản, toàn diện sản xuất nhỏ lẻ kinh tế hộ gia đình sang kinh tế hợp tác, tổ hợp tác; nâng cao chất lượng quản lý, tổ chức sản xuất, thông tin thị trường cho lãnh đạo hợp tác, tổ hợp tác; nâng cao vai trò và củng cố tổ chức của hội sản xuất và tiêu thụ vải thiều; cấp quyền sử dụng thương hiệu cho các hộ sản xuất, kinh doanh vùng vải được quy hoạch.

Hai là, tăng cường công tác truyền thông đối với các sản phẩm được bảo hộ đến người sản xuất, người tiêu dùng bằng các phương thức truyền thông như báo chí, hội chợ, hội nghị, hội thảo, diễn đàn, mạng xã hội... Đẩy mạnh việc tuyên truyền xúc tiến thương mại vào thị trường các nước.

Ba là, tiếp tục duy trì nâng cao chất lượng sản phẩm, đồng thời ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất để kiểm soát chất lượng sản phẩm; xây dựng và phát triển sản phẩm theo chuỗi giá trị.

Bốn là, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, hợp tác xã được tiếp cận, học tập, nghiên cứu thị trường, tham gia các hội chợ triển lãm thương mại... để các doanh nghiệp, hợp tác xã có sự chủ động trong đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh.

Năm là, xây dựng các đề án ứng dụng công nghệ cao cho sản xuất vải thiều; xây dựng cơ chế, chính sách để thu hút các doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, sản xuất, chế biến và tiêu thụ các sản phẩm được bảo hộ trên địa bàn huyện Lục Ngạn.

Mở rộng bảo hộ lên một số xã vùng cao có lợi thế phát triển vải thiều chín muộn

Do địa hình Lục Ngạn cao dần từ các xã Phượng Sơn, Quý Sơn lên Tân Sơn, Cấm Sơn nên vải thiều cũng chín tự nhiên vừ vùng thấp đến vùng cao mà không cần phải sử dụng các biện pháp kỹ thuyệt để kéo dài thời gian chín của vải, theo ông Lê Bá Thành, Phó Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn.

"Đây là lợi thế tự nhiên rất quan trọng nhưng một số vùng cao không trong vùng quy hoạch vải được bảo hộ chỉ dẫn địa lý. Điều này gây khó khăn cho xuất khẩu cũng như thiệt hại cho người sản xuất vải thiều vùng cao. Vì vậy tôi đề nghị tỉnh xem xét đề xuất mở rộng vùng được bảo hộ lên một số xã vùng cao có lợi thế phát triển vải thiều chín muộn" - ông Thành nêu.