Lão nông Trần Minh Mẫn ngụ phường Ba Láng, quận Cái Răng, TP.Cần Thơ được coi là người đầu tiên ở Việt Nam phát hiện ra giống mít lạ đặc ruột, không hạt, không mủ. Giống mít lạ này giúp ông có thu nhập 500 triệu/năm.

10 năm trước, theo VTC16, trong một lần được ăn thử loại mít đặc biệt có vị ngọt thanh, mùi thơm nhẹ ở nhà người bạn ở Tiền Giang, ông Mẫn đã xin về trồng. Cho rằng đây là loại mít quý nên ông đã nhân giống chúng và không ngờ nhờ đó mà ông đổi đời.

Quá trình nhân giống mở rộng diện tích của ông Mẫn gặp khá nhiều khó khăn: gốc ghép chết, mắt ghép không phát triển. Phải tới hơn 10 lần ông Mẫn mới ghép thành công.

Sau 2 năm trồng, cây đã cho trái chín, tuy nhiên cây thực sự cho thu hoạch hiệu quả là từ 3 năm trở đi.

Ông Mẫn bên những cây mít lạ đang được nhân giống.
Ông Mẫn bên những cây mít lạ đang được nhân giống.

Giống mít Ba Láng có khá nhiều điểm đặc biệt: ngoài độ ngon ngọt, mít có thể để tủ mát từ 10-15 ngày mà không bị nhớt, bị hư.

Hiện giống mít Ba Láng đã được đăng ký nhãn hiệu độc quyền dựa vào tên địa danh ông Mẫn sinh sống.

Với 70 gốc mít trên 1ha, mỗi năm ông Mẫn cung cấp ra thị trường 5 tấn trái, thu về hơn 500 triệu đồng.