Theo chia sẻ của bà Nguyễn Thị Hà - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) - để nâng giá trị các đặc sản, phát triển tài sản trí tuệ của tỉnh, Lạng Sơn, Lạng Sơn có nguyện vọng tham gia chương trình Hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ giai đoạn 2016-2020.

Đồng thời bà cũng mong muốn được Cục Sở hữu trí tuệ hỗ trợ đăng ký bảo hộ cho một số sản vật như quýt Kim Đồng, quế Tràng Định...

Lạng Sơn được biết đến với nhiều đặc sản. Đặc biệt, hoa hồi Lạng Sơn được coi là tài sản quốc gia, được Nhà nước bảo hộ vô thời hạn trên toàn lãnh thổ và được đăng ký thương hiệu theo chỉ dẫn địa lý. Cũng nhờ được bảo hộ chỉ dẫn địa lý, sản phẩm hoa hồi xứ Lạng có thể gia nhập thị trường châu Âu một cách thuận lợi hơn.

Một sản phẩm cũng rất nổi tiếng khác là rượu Mẫu Sơn, được chưng cất theo phương thức truyền thống với men lá làm từ các loại cây thuốc trên rừng. Loại rượu này đang được hàng trăm hộ dân ở các xã Mẫu Sơn, Công Sơn thuộc huyện Cao Lộc tham gia sản xuất. Ngoài ra, Lạng Sơn còn nổi tiếng với quả na - đặc sản của huyện Chi Lăng, hay hồng không hạt - sản vật gắn liền với địa danh Bảo Lâm, huyện Cao Lộc.

Bà Nguyễn Thị Hà - Giám đốc Sở KH&CN Lạng Sơn - thăm vùng trồng quế ở huyện Tràng Định. Ảnh: Lê Loan
Bà Nguyễn Thị Hà - Giám đốc Sở KH&CN Lạng Sơn - thăm vùng trồng quế ở huyện Tràng Định. Ảnh: Lê Loan

Mới đây, Cục Sở hữu trí tuệ đã trao quyết định cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể đối với cây thạch đen của huyện Tràng Định, tỉnh Lạng Sơn cho Hội Sản xuất và Kinh doanh thạch đen.

Nhận thấy việc xác lập, quản lý và phát triển quyền sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm nông, lâm đặc sản của địa phương sẽ mở ra một hướng đi mới cho kinh tế Lạng Sơn, giúp nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, bà Nguyễn Thị Hà bày tỏ mong muốn các cơ quan chức năng đặc biệt quan tâm đến lĩnh vực này ở địa phương.

Theo đó, Giám đốc Sở KH&CN Lạng Sơn đề nghị Cục Sở hữu trí tuệ tiếp tục quan tâm, hỗ trợ huyện Tràng Định xây dựng và vận hành hệ thống quản lý, phát triển nhãn hiệu tập thể “Tràng Định” cho cây thạch đen; hỗ trợ, tạo điều kiện cho tỉnh Lạng Sơn nói chung và huyện Tràng Định nói riêng đăng ký bảo hộ cho một số sản phẩm khác như quýt Kim Đồng, gạo bao thai Tràng Định, quế Tràng Định...

Bà Hà cũng đề nghị Cục Sở hữu trí tuệ xem xét trình Bộ KH&CN phê duyệt cho tỉnh Lạng Sơn được tham gia, thụ hưởng các nhiệm vụ thuộc chương trình Hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ giai đoạn 2016-2020 để các cơ quan quản lý và nhân dân trên địa bàn tỉnh nâng cao hiểu biết pháp luật về sở hữu trí tuệ.

Việc tham gia chương trình này cũng sẽ giúp các sản phẩm đặc sản của tỉnh được xác lập, quản lý và phát triển quyền sở hữu trí tuệ một cách hiệu quả, từng bước xây dựng và hoàn thiện chuỗi liên kết sản xuất, kinh doanh, từ đó không ngừng nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, uy tín, năng lực cạnh tranh, gia tăng giá trị hàng hóa và hiệu quả kinh tế.