Là một tỉnh miền núi nằm ở phía nam Tây Nguyên, Lâm Đồng có thế mạnh về phát triển nông nghiệp công nghệ cao và du lịch chất lượng cao. Đặc biệt, trong nông nghiệp. Vì vậy, việc ứng dụng các kết quả nghiên cứu khoa học vào thực tiễn đã mang lại hiệu quả kinh tế cao...

Việc ứng dụng các kết quả nghiên cứu khoa học vào thực tiễn tại Lâm Đồng đã mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Việc ứng dụng các kết quả nghiên cứu khoa học vào thực tiễn tại Lâm Đồng đã mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Nhiệm vụ KH&CN có địa chỉ ứng dụng cụ thể…;
Lâm Đồng là tỉnh thực hiện khá sớm cơ chế đặt hàng, tuyển chọn các nhiệm vụ khoa học và công nghệ (KH&CN). Năm 2007, UBND tỉnh Lâm Đồng đã ban hành Quyết định số 32/2007/QĐ-UBND quy định về quản lý nhiệm vụ KH&CN tỉnh Lâm Đồng. Đây là lần đầu tiên trong gần 30 năm hoạt động KH&CN, Lâm Đồng có một văn bản quy định khá rõ ràng, chi tiết và cụ thể những vấn đề liên quan đến quản lý và tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ KH&CN của tỉnh. Phương thức tuyển chọn các đề tài, dự án được quy định khá rõ ràng trong văn bản này. Đây là một cơ chế mới nhằm nâng cao chất lượng cho các nghiên cứu và thu hút các nhà nghiên cứu có thực tài tham gia nghiên cứu tại Lâm Đồng.
Quy trình thực hiện các nghiên cứu khoa học (NCKH) cũng khá rõ ràng. Các nhiệm vụ KH&CN được các tổ chức, cá nhân đề xuất, gửi về Sở KH&CN. Thông qua hội đồng xác định nhiệm vụ KH&CN chọn ra những đề xuất mang tính bức xúc và phù hợp với tỉnh. Sau đó, tùy vào từng nhiệm vụ sẽ tuyển chọn hay chỉ định cho các tổ chức, cá nhân thực hiện. Kết quả nghiên cứu sẽ được đánh giá bởi hội đồng nghiệm thu và được UBND tỉnh ra quyết định công bố và chuyển giao kết quả. Sau khi Luật KH&CN 2013 có hiệu lực, UBND tỉnh đã ra quy định về quản lý nhiệm vụ KH&CN của tỉnh. Văn bản này quy định rõ các nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh phải thực hiện theo hình thức đặt hàng. Thời gian xem xét các đề xuất đặt hàng và các đề cương được thực hiện nhiều lần trong một năm, thay vì một lần một năm so với trước đây. Điều này đã tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân trong việc NCKH và triển khai công nghệ. Trong những năm qua, định hướng các nghiên cứu của tỉnh cũng có sự thay đổi rõ rệt. Các đề tài, dự án ngày càng mang tính ứng dụng cao, có địa chỉ ứng dụng cụ thể.
… Mang lại hiệu quả kinh tế cao
Trong 5 năm qua, Lâm Đồng đã triển khai 7 dự án nông thôn miền núi, 150 đề tài, dự án cấp tỉnh, 355 cấp cơ sở. Cụ thể như dự án Xây dựng mô hình sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh từ bã thải nấm, phế thải chăn nuôi và trồng trọt tại TP. Bảo Lộc; xây dựng mô hình ứng dụng và chuyển giao công nghệ để phát triển bền vững nghề trồng dâu nuôi tằm tại Lâm Hà; nghiên cứu quy trình sinh sản nhân tạo giống cá hồi vân; xây dựng mô hình phát triển vùng nguyên liệu cây cacao tại huyện Đam Rông;… 60% các đề tài được đưa vào ứng dụng, trong đó các đề tài được ứng dụng trong nông-lâm nghiệp là chủ yếu. Nhiều đề tài đã được triển khai kịp thời, giải quyết những vấn đề bức xúc của thực tiễn sản xuất như nghiên cứu các biện pháp sinh học tổng hợp trong phòng, trừ sâu bệnh hại một số cây trồng; nghiên cứu tác nhân gây bệnh và biện pháp phòng trừ bệnh thối củ trên cây địa lan; nghiên cứu biện pháp phòng trừ tổng hợp bệnh xoăn lá trên cây cà chua;…
Ngoài ra, các đề tài đã tập trung nghiên cứu, phát triển các giống rau, hoa, cây ăn trái, cây công nghiệp và dược liệu mang lợi thế đặc thù của địa phương cho năng suất, chất lượng tốt phục vụ cho nội tiêu và xuất khẩu như nghiên cứu xây dựng mô hình trồng cà chua theo hướng nông nghiệp công nghệ cao tại Đơn Dương, Đức Trọng với năng suất đạt trên 200 tấn/ha, hiệu quả kinh tế tăng 30–50% so với canh tác truyền thống; nghiên cứu, xây dựng quy trình thâm canh tổng hợp về cây điều ghép, đưa năng suất trung bình từ 800kg–2 tấn/ha;…
Đặc biệt, một số đề tài, dự án cấp cơ sở đã rất thiết thực tại các địa phương. Trồng cây gì, nuôi con gì được định hướng khá rõ. Những mô hình thí điểm đã khẳng định rõ rệt về hiệu quả kinh tế trong việc ứng dụng các kết quả nghiên cứu. Trước đây, khi chưa áp dụng các biện pháp kỹ thuật cho cây càphê thì sản lượng chỉ đạt 1,2–1,5 tấn/ha, sau dự án nghiệm thu đạt sản lượng đạt 2–3 tấn/ha, gấp 2 lần nhờ áp dụng các tiến bộ khoa học; hay dự án xây dựng hệ thống lọc bụi trong sản xuất tăm nhang giảm ô nhiễm môi trường ở huyện Đạ Huoai. Trước khi triển khai dự án, môi trường sống của người dân và công nhân bị ô nhiễm nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sức khỏe. Sau khi triển khai hệ thống xử lý bụi đạt kết quả cao, bụi được xử lý 85-90%, tiết kiệm cho cơ sở sản xuất 20 triệu đồng.
Đối với các doanh nghiệp, Lâm Đồng đã có 104 dự án được thực hiện với tổng số tiền hơn 1.3 tỷ đồng. Trong đó có những hỗ trợ về áp dụng tiến bộ kỹ thuật và đổi mới công nghệ như chuyển giao công nghệ sấy sản phẩm diệp hạ châu sau thu hoạch, công nghệ tự động chiên, luộc, sấy rau, củ, quả,… Có 9 thương hiệu hàng nông sản, trong đó 7 nhãn hiệu đã được cấp giấy chứng nhận độc quyền như “rau Đà Lạt”, “càphê Di Linh”, “chuối Laba Lâm Đồng”,…
Các sản phẩm chủ lực cần được quan tâm
Ông Lê Xuân Thám – Giám đốc Sở KH&CN tỉnh Lâm Đồng - cho biết, UNBD tỉnh đã có những quan tâm đến hoạt động KH&CN từ cơ chế, chính sách đến việc đầu tư, đây là điều kiện thuận lợi cho Lâm Đồng đưa nhanh KH&CN vào cuộc sống. Những năm gần đây, các đề tài liên tỉnh được triển khai đã giải quyết được những vấn đề bức xúc của thực tiễn. Trong quá trình xét các đề xuất nghiên cứu, hội đồng đã đánh giá đúng các nhiệm vụ KH&CN cần thực hiện ở cấp nào là phù hợp nên khi triển khai thực hiện khá thuận lợi. Cơ quan quản lý KH&CN đã phối hợp tốt với các địa phương trong tỉnh để định hướng, xem xét những vấn đề bức xúc cần giải quyết. Tùy vào thế mạnh của từng vùng, các nghiên cứu được thực hiện và tổ chức ứng dụng. Doanh nghiệp cũng đã trực tiếp tham gia các đề tài, dự án. Đây là sự chuyển biến rõ rệt trong những năm gần đây về cơ chế đặt hàng, chủ động nghiên cứu ứng dụng, thị trường hóa các kết quả nghiên cứu.
Tuy nhiên, do chưa xây dựng được cơ chế, chính sách tổ chức phổ biến, chuyển giao, ứng dụng kết quả nghiên cứu vào thực tiễn nên việc nhân rộng nhanh các mô hình còn phụ thuộc vào kinh phí, quảng bá tuyên truyền, sự quan tâm của các ngành chức năng, các tổ chức xã hội,… Một số đề tài dự án ứng dụng những công nghệ tiên tiến khi đưa vào ứng dụng cần có đào tạo và chuyển giao công nghệ, nhưng trong thực tế việc này còn rất khó khăn do còn thiếu cơ sở vật chất, trang thiết bị. Vì vậy, việc ứng dụng kết quả nghiên cứu của một số đề tài, dự án còn chậm do các đơn vị chuyển giao còn lúng túng, chưa xây dựng được kế hoạch triển khai đối với từng loại đề tài, không có kinh phí để ứng dụng hoặc nhân rộng mô hình.
Theo ông Thám, Bộ KH&CN cần có những văn bản cụ thể hướng dẫn về quản lý các hoạt động KH&CN trên địa bàn tỉnh, giúp các địa phương triển khai các nhiệm vụ KH&CN hiệu quả hơn. Ngoài ra, những sản phẩm chủ lực của địa phương cũng được bộ quan tâm để định hướng, hỗ trợ cho hoạt động nghiên cứu và phát triển công nghệ. Đồng thời, bộ cần hỗ trợ các địa phương trong việc tiếp cận các công nghệ tiên tiến, phù hợp để ứng dụng có hiệu quả nhất.