Bằng những vườn rau đặc sản trên quê hương Đơn Dương (tỉnh Lâm Đồng), người dân nơi đây đã có của ăn của để. Đặc biệt nhờ áp dụng công nghệ và kỹ thuật mới, nhiều hộ nông trong vùng đã “lên đời” với thu nhập hàng trăm triệu đến vài tỷ đồng mỗi năm.

lam-dong-tay-khong-thu-tram-trieu-chi-nho-trong-rauNông dân Trần Quốc Thịnh thu hoạch bắp sú trồng trong nhà lưới để cung cấp cho công ty bao tiêu sản phẩm.

Tay không thu trăm triệu

Về Đơn Dương – vùng trồng rau lớn nhất của tỉnh với cánh đồng rau phủ màu xanh bát ngát. Thấp thoáng trong cánh đồng rau ở thôn Suối Thông B, khu nhà lưới của gia đình ông Trần Quốc Thịnh (xã Đạ Ròn, huyện Đơn Dương) càng thêm nổi bật. Khác với phương pháp canh tác truyền thống như bà con trong vùng, các vườn bắp sú, cà chua, cải thảo… được ông Thịnh đưa vào khu nhà lưới để tránh mưa nắng.

Mặc cái oi nóng của mùa khô cao nguyên, ông chủ vườn vẫn cắm cúi chặt từng cây bắp sú đã đến kỳ thu hoạch. Vừa thoăn thoắt chặt sú, ông Thịnh hớn hở khoe: “Mấy tháng trước nhiều vườn sú của người dân trong vùng không bán được hoặc bán với giá rất rẻ nhưng gia đình tôi thì vẫn thu hoạch đều đặn, bán cho công ty bao tiêu sản phẩm với giá bình quân 4.000 đồng mỗi kg đấy”.

Bắt đầu làm vườn, làm nông dân trồng rau cách đây 10 năm trước. Hơn ai hết, ông Thịnh thấu hiểu những khó khăn của một người nông dân “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”. Mặc dù không có vườn tược rộng lớn như những người dân trong vùng, ông bắt đầu làm vườn bằng những mảnh đất đi thuê lại. Tích cóp từng chút một, làm hết vườn này ông lại thuê thuê thêm vườn khác. Đến nay nông trại của ông được mở rộng lên 3 ha đất đi thuê để trồng rau các loại và đem lại thu nhập khá cho gia đình.

Đặc biệt, hơn 1 năm nay, ông Thịnh bắt tay sản xuất theo hợp đồng cho công ty VinEco (thuộc Tập đoàn VinGroup) giúp sản phẩm nông sản có đầu ra ổn định, thu hoạch đến đâu bán hết đến đó. “Tôi ký hợp đồng với công ty giá được điều chỉnh hàng tuần nhưng luôn đảm bảo cao hơn thị trường, không bị thương lái ép giá nên chỉ cần yên tâm canh tác, chăm sóc vườn rau an toàn là được” – ông Thịnh cho hay.

Sản xuất đi vào ổn định, lợi nhuận từ các vườn rau của gia đình ông Thịnh bắt đầu tăng dần so với trước đây. Đến nay, thu nhập từ vườn rau đạt khoảng 500 – 600 triệu đồng mỗi năm. Nguồn vốn dôi dư ông sử dụng vào việc mở rộng diện tích nhà lưới thay vì trồng rau ngoài trời như trước đây. Rau trồng trong nhà lưới tránh được nhiều nguy cơ nhiễm sâu bệnh cũng như chất lượng sẽ tốt hơn. Ông Thịnh hồ hởi: “Rau đạt chất lượng cao theo yêu cầu, công ty còn thưởng 20% trên tổng doanh thu của cả vườn vậy dại gì mình không làm cho tốt”.

Lão nông mê rau công nghệ cao

Tuy nhiên, do chưa nắm rõ thị trường, sản xuất manh mún và bị thương lái ép giá. Nhiều vụ rau thu hoạch về không biết bán cho ai, hoặc được thu mua giá lại rẻ như bèo. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến “biến cố” trong sự nghiệp trồng rau của người nông dân này. “Hết thất bại này đến thất bại khác khiến tôi đổ nợ, tiền vay ngân hàng để đầu tư sản xuất không có trả nên tôi chán nản, bỏ không làm nông nữa” – ông Nhàn tâm sự.Cũng lớn lên ở thủ phủ rau Đơn Dương, là một nông dân chính hiệu nhưng con đường đến thành công của ông Nguyễn Thanh Nhàn (xã Đạ Ròn) lại đầy chông gai. Từ nhỏ, anh Nhàn đã sớm quen với việc tưới nước, trồng rau phụ gia đình. Khi làm ăn riêng với vốn liếng gồm những mảnh đất màu mỡ của gia đình, anh mở rộng diện tích sản xuất các loại rau đặc sản của địa phương.

lam-dong-tay-khong-thu-tram-trieu-chi-nho-trong-rauNhiều nông dân ở Đơn Dương có thu nhập khá chỉ nhờ trồng rau an toàn.

Bỏ nghề, ông Nhàn bắt đầu đi buôn bán. Đi nhiều nơi và tiếp xúc với nhiều bạn hàng đã giúp ông nhận ra điều quan trọng nhất của việc sản xuất là phải tìm được đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp. Đến giữa năm 2015, khi biết về chương trình hợp tác sản xuất rau an toàn được công ty VinEco triển khai tại địa phương. Ông đã đăng ký tham gia không chút đắn đo.

Quay trở lại làm nông dân, với diện tích đất còn lại ông đã mạnh dạn đầu tư thêm nhà lưới, nhà kính để cho sản phẩm chất lượng cao, lấy uy tín với đối tác. Ông Nhàn nói: “Sau hai năm được công ty bao tiêu sản phẩm, hiệu quả kinh tế đã rõ rệt. Dù giá thị trường xuống thấp nhưng đầu ra của chúng tôi ít bị ảnh hưởng như bán ngoài chợ hay cho thương lái”.

Hiện nay, lão nông Nguyễn Thanh Nhàn như một tấm gương điển hình về sản xuất rau ở địa phương. Tổng diện tích vườn rau của gia đình ông lên đến 7 ha, trong đó nhà lưới rộng 1 ha và nhà kính 1 ha. Diện tích này chủ yếu được ông ưu tiên gieo trồng xà lách lô lô xanh, cà chua, cài thảo… được thị trường ưa chuộng. Có nguồn thu nhập cao từ các vườn rau, ông Nhàn còn thuê cả kỹ sư về làm “cố vấn” và chịu trách nhiệm theo dõi trang trại.

Ngoài ra, ông thuê thêm 30 công nhân để thu hoạch, sơ chế rau tại chỗ hàng ngày. “Chưa tính chi phí khác, mỗi tháng tôi đã mất gần 200 triệu đồng để trả lương cho công nhân rồi. Tuy chi phí cao nhưng nguồn thu nhập từ vườn rau vẫn đảm bảo nên sắp tới tôi sẽ tiếp tục đầu tư mở rộng nhà kính, nhà lưới và áp dụng kỹ thuật cao vào sản xuất rau, có như vậy sản phẩm mới đạt chất lượng cao để hợp tác lâu dài với công ty” – ông Nhàn chia sẻ.