Trung tâm Ứng dụng Khoa học và Công nghệ (TTƯD KH&CN) thuộc Sở KH&CN Lâm Đồng đã chuyển giao công nghệ nuôi trồng nấm Linh chi đỏ Đà Lạt và nấm Hương cho nông dân, tiến tới xây dựng thương hiệu nấm cao cấp Đà Lạt.

lam-dong-chuyen-giao-thanh-cong-cong-nghe-trong-nam-cao-cap

Nuôi trồng nấm Linh chi đỏ Đà Lạt tại Công ty Khoa Minh (xã Đạ Nhim, huyện Lạc Dương).
Ảnh: T.Hương

Trồng Linh chi đỏ trên mùn cưa gỗ quế

Là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch sinh thái, Công ty Đầu tư sản xuất – thương mại – dịch vụ Khoa Minh (xã Đạ Nhim, huyện Lạc Dương) đến với nghề trồng nấm như một “cơ duyên”. Nhận thấy khí hậu nơi đây phù hợp với một số loại nấm cao cấp xứ lạnh, Công ty Khoa Minh đã đầu tư nhà trồng nấm có hệ thống phun sương tự động. Được TTƯD KH&CN Lâm Đồng hỗ trợ kỹ thuật và cung cấp 200 bịch phôi giống nấm Linh chi đỏ Đà Lạt – một loại nấm dược liệu cao cấp được PGS. TS Lê Xuân Thám – Nguyên Giám đốc Sở KH&CN Lâm Đồng phát hiện tại Đà Lạt, công ty đã nhân rộng diện tích nuôi trồng loại nấm này lên 1.000 m2 với sản lượng 500 ngàn bịch phôi mỗi năm phục vụ cho tiêu dùng và chế biến dược liệu. Ngoài ra, Khoa Minh còn thu mua nấm thành phẩm của một số hộ dân nuôi trồng nấm Linh chi đỏ Đà Lạt trên địa bàn. “Với giá thành trên dưới 1 triệu đồng/kg, trồng nấm Linh chi đỏ ứng dụng công nghệ cao đúng quy chuẩn cho sản lượng và hiệu quả kinh tế khá cao. Thời gian tới, công ty tiếp tục mở rộng thêm diện tích và sẽ hướng dẫn kỹ thuật cho những hộ dân có nhu cầu nuôi trồng loại nấm này”, anh Ngô Thanh Huy – Quản đốc Công ty Khoa Minh chia sẻ.

Trước nay, trồng nấm ở giá thể, hiện nay, TTƯD KH&CN Lâm Đồng mạnh dạn thử nghiệm việc nuôi trồng nấm Linh chi đỏ Đà Lạt trên hỗn hợp giá thể gỗ quế. Ông Nguyễn Như Chương – Giám đốc Trung tâm cho hay, việc thay thế mùn cưa cao su bằng mùn cưa gỗ quế để trồng nấm Linh chi đỏ giúp làm giảm tỷ lệ hư hỏng phôi nấm hơn. Bên cạnh đó, theo một báo cáo khác cho thấy, nếu trồng nấm Linh chi đỏ trên gỗ quế điều trị ung thư rất tốt, khối u tiêu biến hoàn toàn. Ở nước ta, cây quế là nguồn dược liệu đáng kể, hàm lượng tinh dầu trong vỏ quế khá cao nên chủ yếu sử dụng phần vỏ, còn trong cành và lá thường thấp nên được tận dụng làm phế phẩm nông nghiệp nuôi trồng nấm Linh chi. Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý “Trà My” đối với sản phẩm Quế Trà My (Quảng Nam). Đặc biệt, Sở KH&CN và Sở Y tế Quảng Nam đã có chương trình hợp tác về chuyển giao, hỗ trợ công nghệ nấm với Lâm Đồng trên cơ sở tận dụng nguồn mùn cưa gỗ quế sản xuất nấm Linh chi giàu hoạt chất. Đối với Lâm Đồng, cây quế đã bắt đầu phát triển ở Cát Tiên, Bảo Lâm, Đam Rông, đây cũng là nguồn nguyên liệu dồi dào để phát triển việc nuôi trồng nấm Linh chi đỏ.

Xây dựng thương hiệu nấm cao cấp

Bên cạnh nấm dược liệu quý như Linh chi đỏ Đà Lạt, nấm ăn đặc sản xứ lạnh cũng được các nhà khoa học của tỉnh nghiên cứu như nấm Hương. Đây là một loại nấm ăn quý giá, được mệnh danh là “Thực phẩm của Thượng đế”, là “đỉnh cao của thức ăn thực vật”.

Từ quy trình nuôi trồng nấm Hương trên mùn cưa cao su cổ nút bông được hoàn thiện, TTƯD KH&CN Lâm Đồng đã xây dựng mô hình trồng nấm Hương trên bịch phôi có màng lọc vô trùng tại Trạm thực nghiệm Đơn Dương với 2.500 bịch. Đối với mô hình có màng lọc vô trùng, thời gian ủ tơ nấm tốc độ hệ sợi nấm phát triển trong bịch phôi nhanh hơn, do đó, quá trình nuôi trồng ngắn hơn mô hình cổ nút bông 3 tháng, bình quân thu nhập khoảng 60 triệu đồng/năm/100 m2 so với 40 triệu đồng/năm/100 m2 mô hình cổ nút bông.

Hiện TTƯD KH&CN Lâm Đồng đang lưu giữ, bảo tồn và tuyển chọn một số chủng nấm Hương khả năng phát triển thành nấm ăn thương phẩm cao cấp cùng với nấm dược liệu quý Linh chi đỏ Đà Lạt. Với kinh nghiệm trong công nghệ sản xuất giống và nuôi trồng một số loại nấm ăn, nấm dược liệu, Trung tâm đã chuyển giao thành công cho một số dự án cấp Nhà nước và chuyển giao công nghệ cho nhiều hộ dân.

“Qua dự án nuôi trồng nấm Linh chi đỏ trên hỗn hợp giá thể gỗ quế và nấm Hương trên bịch phôi có màng lọc vô trùng, Trung tâm đã đăng ký bảo hộ độc quyền sản phẩm, đồng thời, chứng nhận chất lượng qua Chi cục ATVSTP Lâm Đồng và Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản nông nghiệp để giúp sản phẩm đảm bảo lưu thông trên thị trường. Thời gian tới, Trung tâm sẽ tiến hành xây dựng thương hiệu nấm ăn cao cấp xứ lạnh, đặc biệt là nấm Linh chi đỏ Đà Lạt – một loại nấm phù hợp với khí hậu và thổ nhưỡng Đà Lạt nên có chất lượng hơn, giá thành chỉ thấp hơn nấm Linh chi Hàn Quốc một ít và cao hơn nấm Linh chi các vùng khác để nâng cao hơn nữa vị thế của loại nấm đặc thù địa phương này”, Giám đốc TTƯD KH&CN Lâm Đồng Nguyễn Như Chương cho biết.